Table Of Contents [hide]

    Thẻ xanh HOÀN TOÀN có thể cấp cho sinh viên F1! Đây là tấm vé thông hành để di chuyển khắp nước Mỹ cùng vô số quyền lợi khác của một thường trú nhân Hoa Kỳ. Xem ngay 8 cách phù hợp nhất với bạn! Đừng quên đọc đến cuối để nắm ngay các nghĩa vụ không thể thiếu.

    1. Lợi ích khi là du học sinh Mỹ có thẻ xanh

    Là một thường trú nhân tại đất nước hùng mạnh nhất thế giới, bạn đã nắm trong tay hầu hết các quyền lợi của một công Mỹ thực thụ. Cùng WikiAbroad điểm nhanh qua các quyền lợi đó để tiếp thêm động lực nào:

    A. Giảm học phí

    Đây là một trong những điểm hấp dẫn nhất của thẻ xanh đối với du học sinh Việt Nam. Việc du học Mỹ từ lâu, đã trở thành gánh nặng tài chính đối với mỗi gia đình. Tuy nhiên, với tấm thẻ xanh trong tay, học phí từ cấp 1 đến cấp 3 ở trường công sẽ được miễn phí hoàn toàn. Đối với bậc đại học, số tiền cần chi trả mỗi năm có thể giảm từ 3-4 lần so với du học sinh Visa F1 thông thường.

    B. Làm việc bình đẳng

    Việc tìm kiếm một công việc ổn định ở đất nước cờ hoa đã từ lâu trở thành mong ước của vô số bạn sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, với chỉ Visa F1, các bạn sẽ bị hạn chế rất nhiều về chế độ đãi ngộ, thời gian làm việc, và vị trí công việc. Ngược lại, những “chủ nhân” của chiếc thẻ xanh quyền lực sẽ có cơ hội làm việc bình đẳng với người bản địa (trừ các công việc đặc biệt theo luật định). Các bạn còn có thể tự do mở công ty kinh doanh riêng với quyền lợi như một công dân Hoa Kỳ.

    C. Nhận phúc lợi xã hội

    Phúc lợi xã hội tại bất kỳ quốc gia nào cũng được đánh giá là yếu tố then chốt cho sự thịnh vượng tại đất nước đó. Đối với các bạn sinh viên phổ thông, việc được hưởng các phúc lợi cũng như bảo hiểm y tế là tối quan trọng vì chi phí điều trị tương đối đắt đỏ tại đây. Trong thời gian học tập và làm việc tại Mỹ, các bạn với thẻ xanh còn được nhận các chương trình bảo hiểm y tế và trợ cấp An Sinh Xã Hội với quyền lợi tương tự người bản địa.

    Ảnh: chủ thẻ xanh sẽ được cấp số an sinh xã hội
    Ảnh: chủ thẻ xanh sẽ được cấp số an sinh xã hội

    D. Đi lại tự do

    Như đã nói ở phần mở đầu, chiếc thẻ xanh như tấm vé thông hành để bạn có thể khám phá phá “hang cùng ngõ hẻm” của toàn bộ 50 tiểu bang tại đất nước đáng sống này. Việc di chuyển khi không có thẻ xanh trở nên khó khăn hơn vì bị giới hạn trong một khu vực nhất định theo luật định.

    E. Bảo lãnh gia đình

    Du học đôi khi trở nên khá cô đơn ở nơi đất khách quê người. Việc bảo lãnh và cấp thẻ xanh cho một số người phụ thuộc như vợ/chồng hoặc con cái dưới 21 tuổi (chưa lập gia đình) trở nên dễ dàng hơn. Tuy vậy, những trường hợp nêu trên cần phải có giấy phép đi học hoặc giấy phép lao động tại bang đang sinh sống.

    F. Sở hữu tài sản

    Khi nắm trong tay chiếc thẻ xanh, bạn có quyền sở hữu tất cả tài sản hợp pháp mà một công dân Mỹ có thể. Điều này bao gồm: bất động sản, phương tiện di chuyển, súng (nhưng chỉ ở một số bang)

    2. Xin thẻ xanh Mỹ khi còn là sinh viên

    Việc xin thẻ xanh khi bạn còn đang là sinh viên du học tại Mỹ (Visa F1) có thể khó khăn hơn sau khi tốt nghiệp. Bạn có thể phần nào hiểu được điều này trong quá trình xin Visa du học vì rất dễ bị nghi ngờ “không có ý định du học thực thụ”. WikiAbroad nói khó chứ không phải là không thể, phải không nào? Đọc ngay 4 cách sau đây:

    A. Kết hôn với công dân Mỹ

    Có lẽ đây là phương án khá phổ biến ở Việt Nam. Thời gian cấp thẻ xanh với diện bảo lãnh vợ chồng này diễn ra khá nhanh (30-45 ngày). Các bước thực hiện như sau:

    • Đăng kí kết hôn với một người mang quốc tịch Hoa Kỳ
    • Đăng kí bảo lãnh vợ/chồng với Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS)
    • Lăn tay và thực hiện một số thủ tục liên quan
    • Trả lời phỏng vấn của USCIS. Các câu hỏi xoay quanh việc kiểm tra lý lịch, hồ sợ và xác minh tính trung thực của cuộc hôn nhân

    Lưu ý: Kết hôn giả là một hình thức bất hợp pháp và tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến sức khỏe và sự an toàn của bạn. WikiAbroad không ủng hộ và cổ súy cho trường hợp này.

    B. Trúng xổ số Thẻ Xanh

    Nghe lạ quá phải không nào? Nếu dạo gần đây bạn cảm thấy vận may của mình đang lên thì tại sao không thử! Cách này hoàn toàn phụ thuộc vào sự may rủi. Buổi “xổ số” đặc biệt này thường diễn ra vào tháng 10-11. WikiAbroad phải lưu ý rằng, do số người Việt Nam nhập cư vào Mỹ trong 5 năm qua đã vượt quá 50,000 người, phương án này tạm thời không thể sử dụng đối với sinh viên Việt Nam. Điều này cũng là “nỗi khổ” chung của các nước như Canada, Mexico hay Hàn Quốc.

    C. Tham gia Nghĩa vụ Quân sự

    “Nhưng phải là công dân hoặc có thẻ xanh mới nhập ngũ được mà?”. Điều đó chỉ đúng một phần thôi! Đối với các sinh viên năm 2 đại học trở lên, việc huấn luyện trong một số vị trí thuộc quân đội hùng mạnh nhất thế giới này là hoàn toàn khả thi. Các bạn hãy thử liên hệ với cơ quan tuyển quân địa phương để biết thêm thông tin chính xác nhất nhé.

    D. Thông qua bảo lãnh của cha mẹ hoặc người thân

    Cách này cũng khá phổ biến với các bạn du học sinh VIệt Nam. Nói phổ biến nhưng không phải bạn nào cũng có điều kiện để thực hiện. Gia đình của bạn thường phải là nhà đầu tư, thường trú nhận hoặc người mang quốc tịch Mỹ để có thể bảo lãnh thẻ xanh cho bạn. Điều kiện pháp lý khá phức tạp, nên phương pháp an toàn là nhờ đến những luật sư có uy tín.

    3. Xin thẻ xanh Mỹ sau khi tốt nghiệp

    Sau khi tốt nghiệp đại học/cao đẳng tại Mỹ, con đường đến chiếc thẻ xanh của bạn phần nào trở nên thông thoáng hơn. WikiAbroad đã tổng hợp 4 phương án tiêu biển nhất cho những bạn sắp trở thành “cựu sinh viên” đây:

    A. Visa F1 và diện OPT (Không cần nhà tuyển dụng)

    OPT, hay còn được gọi là “Optional Practical Training”, là chương trình đào tạo hành nghề ngắn hạn của chính phủ Mỹ. Đối với các sinh viên cùng Visa F1, sau khi tốt nghiệp, các bạn có thể ở lại làm việc, học nghề trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến chương trình học tập của bạn tối đa 1 năm. Đặc biệt hơn, đối với các ngành STEM, các bạn có thể tham gia chương trình OPT trong tối đa 3 năm. Hãy liên hệ với văn phòng sinh viên quốc tế của trường đại học để xin mẫu đơn đăng ký OPT. Đừng quên tìm hiểu về Designated School Official (DSO) của trường, vì người này sẽ hỗ trợ và quản lý các bạn trong con đường tiếp theo.

    Trong quá trình học nghề, các bạn hãy cố gắng thể hiện năng lực và sự tận tâm với công việc để được nhà tuyển dụng để được tuyển dụng chính thức. Hãy đọc các diện nhận thẻ xanh dưới đây.

    B. Diện EB1 (Lao động ưu tiên)

    Diện này dành cho các bạn “con nhà người ta”. Các bạn có năng lực phi thường trong lĩnh vực kinh doanh, khoa học, giáo dục, nghệ thuật, hoặc thể thao và được các công ty đa quốc gia điều động thành nhân sự quản lý, điều hành thì quá trình xin thẻ xanh sẽ rất nhanh. Các bạn sẽ không phải đợi Giấy Chứng nhận Lao động của bộ lao động Mỹ.

    Tuy nhiên, điều kiện cho diện này khá khắt khe. Các bạn phải có 1 năm kinh nghiệm quản trị tại công ty đa quốc gia trong 3 năm gần nhất. Công việc sau khi được thuyên chuyển đến Mỹ cũng phải là điều hành, quản lý tại trụ sở của cùng công ty (có thời gian hoạt động tại Mỹ trên 1 năm).

    C. Diện EB2 hoặc EB3 (Lao động khác)

    Diện này dành cho các chuyên gia, lao động lành nghề, chuyên viên, hoặc có thể là lao động phổ thông. Sau đây WikiAbroad sẽ tổng hợp một số điều kiện cho từng nhóm đối tượng:

    • Chuyên gia có bằng cấp cao: trình độ thạc sĩ/cử nhân và 5 năm kinh nghiệm
    • Chuyên viên: có bằng cử nhân
    • Lao động tay nghề: trên 2 năm kinh nghiệm học tập và đào tạo (như đã nói ở phần 3.A.)
    • Lao động phổ thông: không yêu cầu học vẫn hoặc kinh nghiệm

    Lưu ý: cần phải xin Giấy Chứng nhận Lao động từ bộ lao động Mỹ để tránh trường hợp bị cưỡng bức lao động

    D. Diện EB5 (Đầu tư)

    Đây là một diện thẻ xanh an toàn nhất không chỉ cho bạn mà còn cho các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên lợi ích nào cũng có cái giá của nó. Và cái giá cho diện này là 1,800,000 USD (giảm đi một nửa nếu đầu tư ở các vùng thất nghiệp cao hoặc chưa phát triển). Giá trị đầu tư có thể đến từ tiền mặt, hàng hóa, thiết bị.

    4. Nghĩa vụ của chủ thẻ xanh ở Mỹ

    A. Nghĩa vụ đăng ký với Sở Quân Vụ

    Mặc dù từ năm 1973, chưa một trường hợp nào phải tham gia quân dịch, các bạn nam từ 18-25 tuổi phải đăng ký với Sở Quân Vụ (Selective Service) và vẫn có khả năng được gọi.

    Ảnh: Chủ thẻ xanh có thể được gọi nghĩa vụ quân sự bất cứ lúc nào
    Ảnh: Chủ thẻ xanh có thể được gọi nghĩa vụ quân sự bất cứ lúc nào

    B.Nghĩa vụ đóng thuế

    Là một thường trú nhân, bạn phải đóng thuế thu nhập liên bang và tiểu bang như một công dân Mỹ đối với các khoản thu nhập theo luật định tại Sở Thuế Vụ (IRS). Việc không nộp hồ sơ thuế có thể cấu thành ý định từ bỏ quyền hợp pháp của chủ thẻ và bị tước thẻ xanh.

    C. Nghĩa vụ thông báo khi thay đổi địa điểm thường trú

    Khi muốn đổi địa điểm thường trú, các bạn phải thông báo trong vòng 10 ngày cho Bộ An Ninh Nội Địa (DHS) để tránh các rắc rối không đáng có.

    D.Nghĩa vụ đăng ký số An Sinh Xã Hội

    Với quyền lợi gần như tương đồng với một công dân Mỹ, một thường trú nhân và gia đình họ sẽ được cấp số An Sinh Xã Hội. Không đăng ký đồng nghĩa với việc từ bỏ quyền lợi và vi phạm pháp luật theo quy định hiện hành.

    5. Lời kết

    Hy vọng bài viết này đã giúp bạn giải đáp phần nào thắc mắc về chiếc thẻ xanh quyền lực của đất nước Hoa Kỳ. Việc đi du học, ở lại làm việc, và trở thành thường trú nhân đã là mơ ước của biết bao thế hệ sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, đừng vì tấm thẻ mà tham gia các hành động phi pháp và đừng quên thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, tuân thủ luật pháp của quốc gia cờ hoa này nhé!

    Xem thêm: Chuẩn bị du học: Top 5 việc cần làm để không hối hận (2021)

    Xem thêm: Những trường hợp như thế nào thì không nên du học Mỹ?

    Xem thêm: Vấn đề tài chính khi du học Mỹ

    Nguyễn Xuân Nguyên
    Nguyễn Xuân Nguyên
    (Chưa có thông tin mô tả)