Table Of Contents [hide]

    Tiêu chí các khoá học của Algonquin College là tập trung vào Work Integrated Learning (học tập kết hợp làm việc). Nói nôm na là đi thực tập (Field Placement/Internship/Applied Project/Practicum/Co-op). Ở bài này, mình tập trung hơn vào hai loại hình Field Placement và Co-op.

    * Field placement là unpaid và khá ngắn (trên dưới một tháng); thường phải đủ điểm mới được tham gia (ví dụ như khoá mình yêu cầu GPD kì 1 phải hơn 3).

    * Co-op là thực tập/làm việc tại các công ty/tổ chức, dài hơn (khoảng 4 tháng mỗi kì), và có lương. Co-op ít khi là bắt buộc mà là lựa chọn, nhưng cũng phải đủ điểm mới được tham gia.

    Để tìm hiểu đầy đủ hơn về các loại hình kết hợp học tập và làm việc (Work Integrated Learning) ở Canada, các bạn tham khảo thêm bài viết của chị @Hai Anh (Senior Regional Manager khu vực Châu Á của Algonquin) nha.

    Khi nộp giấy tờ xin study permit, các bạn phải kiểm tra luôn khoá học của mình có co-op hay field placement không để còn xin giấy co-op permit (giấy phép làm việc phục vụ việc học) cùng với study permit luôn nhé! Chú ý: hãy phân biệt ba tình huống cụ thể: việc thực tập là bắt buộc, việc thực tập là không bắt buộc mà chỉ dành cho học sinh đạt yêu cầu, và việc thực tập là không bắt buộc nhưng học sinh không đáp ứng đủ yêu cầu. Để tìm hiểu thông tin về Co-op permit thì đọc bài này tại Blue Maple Canada. 

    Nói chung, hãy tìm hiểu sớm để biết mình có phải xin hay không để còn xin sớm là lấy ngay ở hải quan cùng Study Permit. Xin Co-op permit không khó, chỉ là đến Canada mới xin Co-op permit sẽ cực tốn thời gian, có thể sẽ ảnh hưởng đến thời gian học của các bạn thôi (vì có thể sẽ có work placement ngay kì đầu ấy).

    Giờ, hãy cũng Uyên tìm hiểu một số bí kíp thực tế khi tìm co-op hoặc field placement nhé. Kinh nghiệm làm việc Co-op là Field Placement cực kì hữu dụng trong hành trình tìm việc sau này và làm việc sau này ạ!

    Cần chú ý những gì trước khi tìm

    * Tìm Co-op hay Field Placement không phải cứ đùng phải gửi resume với cover letter đi là được đâu. Ở Canada, có khả năng rất cao các bạn phải học một số khoá học ngắn liên quan đến luật lao động trước khi được bắt đầu. Ví dụ mình phải học WHMIS và Customer Service courses trước khi được bắt đầu. Thường những khoá này trường sẽ cung cấp. Nhưng các bạn phải hỏi rõ giáo viên phụ trách môn của mình nhé. Tương tự, đôi khi họ sẽ đòi một số giấy tờ rất tốn thời gian làm, kiểu như Immunization Check (giấy chứng nhận tiêm vắc xin, các ngành liên quan đến con người và health các như PSW hay ECD là sẽ đòi đó, phải chuẩn bị ngay từ Việt Nam hoặc sắp xếp làm luôn khi sang đây; giấy này mất mấy tháng lận) hoặc Police Check (mất cỡ một tháng). Nói chung, phải tìm hiểu thật rõ giấy tờ yêu cầu rồi mới bắt đầu tung hoành được.

    * Phải tìm sớm! Nếu nộp online, thời gian trung bình để bên công ty trả lời bạn là khoảng 3 tuần. Thế nên hãy chuẩn bị và gửi hồ sơ đi càng sớm càng tốt.

    Bí kíp tìm co-op/field placement ưng ý

    * Khi làm resume và cover letter, hãy cá nhân hoá nó cho đúng công ty bạn muốn. Đọc kĩ mô tả công việc để lựa chọn kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu của công ty, từ đó chọn những kĩ năng thích hợp. Đừng chỉ có duy nhất một bộ, bởi giờ các hệ thống Human Resources Information System đều có chức năng lọc hồ sơ, thế nên khả năng cao không phải người đọc mà là máy đọc đó. Nếu lệch là hồ sơ của bạn bị đào thải ngay. Mình học Nhân Sự và biết các cái phần mềm đó hoạt động thế nào. Thường số hồ sơ trung bình đến mỗi vị trí sẽ cỡ….vài trăm, nhưng được người đọc thật sự chỉ có dăm chục thôi.

    * Hãy thật sự tìm hiểu về nhà tuyển dụng mà bạn nộp. Những điều như giá trị công ty, văn hoá công ty, phân khúc thị trường, sản phẩm chủ yếu, vân vân và mây mây. Mấy cái này công ty nào trên website của họ cũng có hết. Điều tra chút sẽ không phí thời gian đâu ạ!

    * Có một sự thực phổ biến ai cũng biết là chỗ nào cũng đòi kinh nghiệm làm việc ở Canada (Canadian Experience). Với những bạn đã có kinh nghiệm làm việc thì dễ rồi. Chứ học sinh sang không có thì sao? Hãy nhấn mạnh vào kinh nghiệm làm việc nhóm khi đang học!!! Nhớ cái này ngàn lần nhé!!

    * Chuyện Reference. Mới sang chân ướt chân ráo, lấy đâu ra đề cử bây giờ? Thứ nhất: hãy có quan hệ tốt với bạn cùng nhóm ngay từ đầu và nhờ họ làm referee cho. Là người Canada là tốt nhất! Nếu không, hãy làm tốt quan hệ với giáo viên (hỏi bài, nghe giảng, tham gia bàn luận trong lớp) để nhờ họ làm referee cho nhé.

    * Rất nhiều nơi khuyên bạn nên làm hồ sơ cho đẹp với chart, với hình minh hoạ, vân vân mây mây (giờ mấy dịch vụ tạo mấy cái đó nhiều lắm, canva chẳng hạn). Nhưng mình nói thẳng, không có nghĩa gì đâu, qua máy đọc hết mà. Tốt nhất là làm tối giản, bố cục tốt, có khoảng trống để chữ “thở” là được. Chú ý font chữ - đừng dùng Times New Romans (quá “cơ bản” và “nhàm chán”; hãy dùng Arial hoặc các font Sans Serif. Đừng hỏi mình vì sao, đây là mặt tâm lý đó. Thầy cô mình nhắc luôn hẳn hoi chứ không phải kinh nghiệm kiểu đúc kết không bằng chứng nha. Đừng màu mè hoa lá gì trừ phi hồ sơ đó nộp trong ngành sáng tạo như thiết kế. Hãy chú ý vào nội dung ấy.

    * Hãy để resume và cover letter của bạn ở file pdf. Đừng để file word, trông thiếu chuyên nghiệp lắm.

    * Cover letter - hãy tập trung vào những gì bạn có có thể giúp ích cho công ty thế nào, đừng tập trung vào quảng bá bản thân!

    * Đừng cho địa chỉ nhà vào hồ sơ (lộ thông tin cá nhân). Chỉ cần số điện thoại liên lạc là được.

    * Đừng cho câu “reference upon request” hay bất cứ những câu gì vô thưởng vô phạt như vầy vào. Nếu công ty muốn làm reference check thì dù không nhắc đến họ vẫn sẽ yêu cầu nhé.

    Khi Phỏng vấn

    * Những kĩ năng mềm thiết yếu, nhất định ngàn lần phải nhắc đến (đây là đến thẳng từ khoá học Nhân Sự của mình luôn, bọn mình có danh sách những kí năng mềm cần thiết cho mọi công việc. Mình đảm bảo người làm nhân sự nào ở Canada cũng sẽ để ý những từ khoá này khi các bạn nhắc đến trong lúc phỏng vấn). Đó là: Làm việc nhóm (teamwork); sự chủ động cá nhân (take initiatives) và các kĩ năng interpersonal khác (relationship building, networking, v…v…)

    * Kinh nghiệm trả lời phỏng vấn tốt là: Hãy liên tục liên hệ bản thân mình với giá trị của công ty!!! Lặp lại cái này nhiều lần!!! Hãy hiểu thật rõ culture, idea, mission, vision, values của chỗ bạn áp. Đặc biệt là với học sinh chưa nhiều kinh nghiệm nhé.

    * Hãy thành thực. Đừng bao giờ nói dối. Cái này khỏi giải thích nhỉ?

    * Hãy chú ý đến diện mạo bên ngoài khi đi phỏng vấn. Ăn mặc lịch sự, phù hợp văn hoá công ty là điểm cộng rất lớn. Nếu phỏng vấn online, hãy tìm chỗ yên tĩnh, trông như văn phòng, ánh sáng tốt, không bị làm phiền, kết nối mạng tốt.

    * Tập trả lời phỏng vấn và chuẩn bị câu trả lời ngay từ đầu. Giờ trên mạng chả thiếu gì câu hỏi phỏng vấn mẫu đâu. Và theo như kinh nghiệm cá nhân mình đi phỏng vấn (và là người phỏng vấn người khác luôn) - thì các bạn càng thoải mái, tự tin, càng nói chuyện chân thành bao nhiêu người ta càng thích bấy nhiêu. Hãy coi phỏng vấn như một cuộc nói chuyện tìm hiểu Ý TƯỞNG của nhau. Như mình phỏng vấn vào hai chỗ field placement đều vào cả.

    * Hãy có những câu hỏi thông minh để hỏi ngược lại nhà tuyển dụng, chứng minh hứng thú của bạn với vị trí. Đừng kết thúc buổi phỏng vấn bằng “tôi không có câu hỏi nào” một cách thụ động. Các câu hỏi thông minh nhất là những câu tập trung vào chính công ty đó chứ không phải vào bạn.

    Các nguồn tìm nhà tuyển dụng

    * Job fair/Job Event. Algonquin rất thường xuyên tổ chức hội chợ các nhà tuyển dụng để giúp đỡ sinh viên. Hãy tập dụng tối đa những cơ hội này.

    * AC Hire. Đây là bảng đăng thông tin tuyển dụng của chính Algonquin. Xin vào thực tập ở chính nơi mình học thường sẽ được ưu tiên.

    * Career Center: Trung Tâm tư vấn của trường.

    * Các Job Booard như Indeed, SimplyHired, vân vân mây mây.

    * LinkedIn. Hãy tối ưu hồ sơ LinkedIn của mình nhé!

    * Và mình cổ vũ nhất là, các bạn đến thẳng career site của công ty các bạn muốn mà áp. Đó là cách trực tiếp và hiệu quả nhất. Nếu chưa biết công ty các bạn muốn, hãy search gg danh sách các công ty thuộc ngành các bạn học để tìm.

    Đại khái là thế nhỉ. Chúc các bạn thành công trong con đường đến với thế giới làm việc chuyên nghiệp ở Canada nha!

     

    Tác giả: Uyên Nguyễn, cựu sinh viên Algonquin College

    WikiAbroad
    WikiAbroad
    (Chưa có thông tin mô tả)