Anh Huỳnh Lộc là một nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh tĩnh vật hiện đang sống và làm việc tại Tp.HCM. Những tấm ảnh của anh mang lại cho người xem cảm giác nhẹ nhàng nhưng cuốn hút bởi cách sử dụng ánh sáng tạo điểm nhấn, đôi lúc phá cách bằng cách sắp xếp "đồ chơi" của mình theo các bố cục thăng bằng, mỏng manh thách thức những định luật vật lý thông thường. Gần đây, các sản phẩm của anh cũng đã có dịp xuất hiện trên tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam.
Trái ngược hoàn toàn với ngành sáng tạo hiện tại thì 6 năm trước đây anh Lộc là sinh viên của một ngành học khô khan hơn nhiều, đó là ngành Luật tại đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh.
Chuyên mục chọn đại rồi học lại tuần này đã quay trở lại với buổi phỏng vấn cùng anh Huỳnh Lộc để nghe về câu chuyện anh ra quyết định chọn ngành đại học ra sao, những ngã rẽ nào đã đưa anh đến con đường nhiếp ảnh ngay sau khi tốt nghiệp.
Nhiếp ảnh đã đến với anh như thế nào?
Anh bắt đầu cầm máy chụp từ năm 2 đại học, thời điểm đó anh có một người bạn làm phóng viên ảnh cho những tờ báo như Hoa Học Trò, Mực Tím, Mẹ và Bé,… nên anh tò mò, bèn tìm cách kết bạn và xin lân la đi theo.
Dần dà tự học được cách điều khiển các thông số cơ bản của máy ảnh, đủ để biến nó thành một công cụ kiếm tiền - một nghề tay trái.
Một năm sau đó, anh cùng bạn lập nhóm đi chụp hình cưới, bạn là người nhận khách và chụp chính, anh là người chụp hỗ trợ ở các buổi chụp đồng thời hỗ trợ sắp xếp lịch trình địa điểm sao cho các buổi chụp được diễn ra một cách trơn tru nhất.
Ngoài ra, anh cũng nhận những dự án ăn-theo như chụp phóng sự cưới, sự kiện…từ đó máu chụp hình từ từ ngấm vào người anh lúc nào không hay.
Hai người đi với nhau đến sau khi tốt nghiệp được 1 năm (khoảng 6 năm) rồi đường ai nấy đi vì không còn chung định hướng nữa.
Cả quãng thời gian đó anh chỉ coi việc chụp ảnh như một việc làm bán thời gian chứ chưa thật sự có ý định nghiêm túc hoàn toàn với nó như sau này.
Trước khi quyết định nhiếp ảnh là nghề duy nhất mình sẽ theo đuổi thì anh đã đến với Luật như thế nào?
Quay lại năm 12, anh và mẹ cùng ngồi lại với nhau để nói chuyện về những định hướng mà anh cảm thấy là phù hợp nhất.
Sau một hồi suy nghĩ về thế mạnh và sở thích của mình, anh chốt lại được 4 ngành đó là Marketing, Du Lịch, Bếp và Luật.
Vào năm 2008, những ngành như Marketing, Du Lịch và Bếp không có nhiều lựa chọn hấp dẫn như bây giờ, gia đình cũng không có đủ điều kiện để lo cho anh đi du học. Nên anh bỏ qua và cân nhắc giữa Luật và Marketing
Cuối cùng, anh chọn ngành Luật.
Vì là một tấm chiếu chưa từng trải, nên anh cảm thấy tấm bằng Luật có “giá trị” hơn hẳn, là một người thích thuyết phục bằng lý lẽ nên hẳn nhiên anh dễ có cảm tình với luật, bên cạnh đó, Luật có khoá đào tạo đại học chính quy, và trong mắt anh lúc đấy người làm luật luôn có địa vị cao hơn trong xã hội.
Cuối cùng, anh vẫn hạnh phúc với quyết định của mình về ngành Luật, vẫn đủ tình yêu để hoàn thành 5 năm đại học và rồi ra trường với 2 bằng cử nhân - Luật, Quản Lý Kinh Doanh.
Nhưng cha mẹ sinh con trời sinh tính, và trời cho anh cái tính không thích công việc bàn giấy 8 tiếng mỗi ngày.
Khi bắt đầu vào chuyên ngành, có dịp tiếp xúc với công việc của những người làm Luật chuyên nghiệp, anh bắt đầu có góc nhìn rộng hơn về ngành nghề này, và dần cảm thấy mình không phù hợp với nó.
Thời điểm nào đã giúp anh nhận ra rằng anh nên chuyển nhiếp ảnh từ nghề phụ thành nghề chính?
Trong 2 năm đầu sau khi tốt nghiệp đại học, anh tiếp tục đi chụp ảnh như 4 năm trước đó.
6 năm chụp ảnh cưới và phóng sự dần dà đã giúp anh nhận ra được phong cách hình ảnh mà mình muốn theo đuổi nhất, rủi thay, đó không phải là xu hướng mà anh đang làm trong 6 năm qua.
Một phần nữa cũng là vì nhận ra mình không có sự nhanh nhẹn cần có như những người làm nhiếp ảnh gia phóng sự khác.
Cũng thời gian đó, anh thử mình ở thể loại chụp tĩnh, bắt đầu với những chiếc bánh do cửa hàng của chị anh làm. Rồi cơ duyên dẫn anh đến một trong những khách hàng lớn đầu tiên: PNJ Silver
Thật lòng mà nói thì lúc đó anh chẳng có kiến thức hay kĩ thuật gì, chỉ biết lấy đèn đánh thấy đẹp là xong, chẳng biết chỉnh sửa hậu kì gì sất, thậm chí còn chẳng biết trong đội nên có những vị trí nào, hay vai trò của stylist quan trọng ra sao. Cũng may là khách duyệt hình và anh hoàn thành được dự án đó, nhưng với tâm thế đầy hoang mang.
Với tâm lý không ổn đó anh quyết định bỏ máy ảnh sang một bên, gọi vui là “gap year” trong nghề, đi làm quản lý homestay cho một người bạn.
Quản lý homestay được 1 năm, cảm giác bồn chồn muốn cầm máy ảnh và sáng tạo lại sôi sục trong lòng đã thôi thúc anh lau bụi máy ảnh và quay lại với cuộc sống bay bổng trong nghệ thuật như trước đây.
Đây cũng là lúc anh gặp được anh Nguyễn Minh Đức (còn được biết tới với tên Duculya), một nhiếp ảnh gia gốc Việt nổi tiếng ở lẫn Nga và Việt, vừa về nước thông báo mở workshop.
Sau buổi workshop “đổi đời”, tò mò với những kiến thức quá mới về nhiếp ảnh và thời trang vừa học được, anh tìm cách đăng ký vào đội thực hiện dự án tại Nha Trang của anh Đức và sau đó bén duyên đến giờ.
Anh Đức là người thầy, người đồng hành và là người tạo cơ hội cho sự nghiệp nhiếp ảnh của anh đến tận bây giờ. Làm cầu nối đến những cơ hội sau này để anh có cơ hội được làm việc và học hỏi từ chị Nelly Nguyễn - Nhiếp Ảnh Gia Tĩnh Vật, và chị Foxtly Trương – Giám đốc sáng tạo kiêm Nghệ sĩ vẽ minh họa.
Sau 5 năm ở đại học, thì những kiến thức anh học được ở ngành Quản Trị Kinh Doanh và Luật có được tận dụng khi anh chuyển sang nghề nhiếp ảnh không?
Kĩ năng anh áp dụng được nhiều nhất từ Luật sang Nhiếp Ảnh là tư duy Logic, với nhiều người thì luật khá là khô khan với hàng đống câu chữ và điều luật khác nhau, nhưng nhờ việc sắp xếp và truyền tải theo những logic nhất định, thì từng lời nói và trình bày mới có thể thuyết phục được người đối diện.
Sau này, khi có cơ hội va chạm với nghề nhiều hơn, anh nhận thấy để là một Freelancer không hề dễ, vì để phát triển trong nghề nhiếp ảnh thì rèn luyện kĩ năng và góc máy thôi là chưa đủ, mà còn cần, rất cần khả năng giao tiếp tốt để thuyết phục khách hàng cũng như đàm phán cho những dự án lớn về sau.
Một kĩ năng mềm khác, nhỏ thôi nhưng lại khá bổ ích, là khả năng soạn thảo văn bản. 5 năm học Luật đã giúp anh cực kì nhiều với mớ kĩ năng khá xịn để soạn hợp đồng với khách hàng. Tất nhiên nó sẽ không xịn như hợp đồng được soạn thảo bởi một người làm luật chuyên nghiệp, nhưng chắc chắn anh có đủ những kĩ năng sắp xếp thông tin, chú ý câu chữ, cách soạn thảo một bản hợp đồng chuẩn, dễ hiểu và giảm thiểu các hiểu lầm về sau.
Nếu được chọn lại, anh vẫn sẽ đi đúng con đường anh đã từng chọn. Vì nhờ đó mà anh học được những cách nhìn đời thú vị, gặp được những con người thú vị, và có những trải nghiệm thú vị.
Theo anh, 5 năm đại học trôi qua không bị phí phạm dù chỉ một chút. Chỉ đơn giản là anh chọn một ngã rẽ khác cho sự nghiệp của mình mà thôi, và anh dùng toàn bộ những kiến thức, trải nghiệm trong quá khứ để đưa ra những quyết định đúng đắn hơn cho tương lai của mình.
Nghệ thuật tuy nghe thật bay bổng, đầy tính tuỳ hứng và sáng tạo thì thật ra nó cũng yêu cầu tính logic trong đấy, không ít thì nhiều, pha màu cũng phải có logic, ánh sáng cũng thế,…Tất cả kết hợp với sự thăng hoa của người nghệ sĩ thì nó sẽ thành một tác phẩm nghệ thuật.
Với anh, không quan trọng mình đã học những gì, mà quan trọng mình đã áp dụng nó như thế nào trong cuộc sống.
Lời kết
Chọn đại rồi học lại là chuỗi các câu chuyện về những con người rất đỗi bình thường trong cuộc sống xung quanh chúng ta. Họ cũng là những người đã đứng trước ngã rẽ của hàng trăm nghề nghiệp khác nhau trong sự rối bời, mơ hồ, sợ hãi.
Nhưng bạn phải tin rằng nghề bạn đặt bút chọn hôm nay không có nghĩa là nghề bạn sẽ thật sự đam mê và dấn thân vào ngày mai.
Nếu lỡ có chọn sai thì sao? thì chọn lại, và lần này bạn biết rằng mình đã loại được một đáp án không phù hợp với mình.