Trong một môi trường tìm kiếm việc làm cạnh tranh, một tấm bằng đại học tốt không còn đủ sức thuyết phục các nhà tuyển dụng. Hiện nay, cộng đồng đang dần quan tâm hơn đến tính cá nhân và thương hiệu cá nhân (personal brand) – một yếu tố mang sức ảnh hưởng và thể hiện giá trị, cá tính của bản thân.
1. Thương hiệu cá nhân là gì?
Hãy tưởng tượng lớp bạn đang có một buổi liên hoan cuối năm và bạn thì đang trên đường đến. Khi đó, các thầy cô và bạn bè nói chuyện, bàn luận về tác phong, tính cách của bạn hay về một bức ảnh bạn đăng lên Facebook gần đây. Hãy thử nghĩ xem, họ nhắc đến bạn là người như thế nào, họ dùng những tính từ gì để tả về bạn? Đó chính là thương hiệu cá nhân (personal branding) mà bạn tạo nên trong quá trình làm việc hay tiếp xúc với người khác. Nói cách khác, thương hiệu cá nhân là sự kết hợp khác biệt, độc đáo của kỹ năng, kinh nghiệm và tính cách, cách bạn thể hiện mình trước mọi người và là cách người khác nhìn nhận con người bạn. Việc xây dựng thương hiệu cá nhân hiệu quả là nỗ lực có ý thức và chủ đích chọn lọc những kỹ năng, điểm mạnh và tính cách cùng với một chiến lược cụ thể để tạo ra và tác động đến nhận thức của cộng đồng.
2. Những ai cần xây dựng thương hiệu cá nhân?
Hiện nay, việc xây dựng thương hiệu cá nhân không còn chỉ dành cho những người nổi tiếng mà bất kì ai với ý định phát triển sự nghiệp chuyên nghiệp và lâu dài cũng cần chú trọng hơn tới hình ảnh và danh tiếng của bản thân. Thực tế, mỗi chúng ta đều có một thương hiệu cá nhân, có thể là xấu, tốt và khác nhau giữa những nhóm người nhìn nhận. Bằng cách chủ động quản lí danh tiếng và kiểm soát mặt xấu, tối đa thể hiện điểm mạnh của mình để trở nên khác biệt, thăng tiến sự nghiệp, tăng vòng ảnh hưởng, và có tác động lớn hơn với cộng đồng.
Đối với sinh viên mới ra trường và đang tìm kiếm việc làm.
Khi mạng xã hội ngày càng phổ biến, những nhà tuyển dụng có xu hướng sàng lọc các ứng viên qua trang mạng xã hội vì đây là nơi thể hiện rõ nhất bạn là ai, tính cách có phù hợp với môi trường công ty hay không. Theo như nghiên cứu của CareerBuilder năm 2018, 43% nhà tuyển dụng, lãnh đạo sử dụng mạng xã hội để kiểm tra và đánh giá nhân viên của mình. Ở môi trường Việt Nam, việc kết bạn Facebook hay Zalo với sếp và đồng nghiệp là một việc phổ biến. Sẽ rất dễ dàng để ta đánh giá góc nhìn của nhau qua những bài viết, suy nghĩ về một vấn đề có thể không liên quan đến công việc. Điều này sẽ dần tạo nên cách nhìn nhận, tạo nên một thương hiệu cá nhân tích cực hay tiêu cực trong mắt người khác.
Ví dụ, đăng một bức ảnh không phù hợp với những ý kiến gây tranh cãi sẽ vô tình khiến bạn trở thành người đi ngược lại với lợi ích của công ty, tính chất công việc hay góc nhìn của sếp. Khi đó, bạn có thể vô tình tự loại bản thân mình khỏi danh sách thay mặt công ty đi dự hội nghị, sự kiện, hay được tăng lương, tăng chức để giữ lại làm việc lâu dài. Nếu không quản lý nội dung bạn chia sẻ và hiệu quả danh tiếng trực tuyến của mình, thì bạn có nguy cơ thua lỗ trong công việc. Bên cạnh một tấm bằng đại học, thương hiệu, hình ảnh cá nhân nên được quan tâm đầu tư. Hãy xem trang cá nhân của mình như một tấm CV thứ hai, thể hiện bản bân một cách chuyên nghiệp, đáng tin cậy.
3. Lợi ích của việc phát triển Thương hiệu cá nhân thành công
a. Tạo sự khác biệt
Chủ động quản lí thương hiệu cá nhân bằng cách giao tiếp rõ bạn là ai sẽ tạo ra sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh. Một sinh viên mới ra trường thể hiện mình là người tự tin và chuyên nghiệp, được mọi người biết đến với sự cẩn thận, tỉ mỉ và hiểu biết trong ngành nghề chắc chắn sẽ nổi bật hơn những sinh viên hay chia sẻ về tai nạn sân khấu của một ca sĩ hay cách nấu một nồi thịt kho tàu ngon trên mạng xã hội.
Ví dụ, bạn làm trong lĩnh vực quảng cáo. Từ khi còn là sinh viên, bạn có thể xây dựng thương hiệu của mình thông qua các công việc thiện nghuyện, part-time hay phát triển mối quan hệ tốt với giáo viên, bạn bè và những người cùng ngành. Một hình ảnh sinh viên đầy nhiệt huyết, sáng tạo, năng nổ sẽ khiến bạn trở nên nổi bật và tạo ấn tượng đặc biệt trong mắt các nhà tuyển dụng.
b. Phát triển mối quan hệ và nâng cao uy tín bản thân
Một thương hiệu cá nhân tốt sẽ thu hút những người trong ngành nghề của bạn ; có thể đối tác hay khách hàng tiềm năng; từ đó dễ dàng kết nối và tạo mối quan hệ lâu dài. Khi thường xuyên được tiếp xúc với những nội dung hữu ích bạn chia sẻ và hiểu được thái độ nghiêm túc của bạn trong công việc, họ sẽ dần cảm nhận được độ đáng tin cậy của bạn. Từ đó, uy tín thương hiệu được nâng cao, dễ dàng tạo niềm tin, năng lượng tích cực và mong muốn hợp tác.
Hơn nữa, càng nhiều người biết đến thương hiệu cá nhân cũng như doanh nghiệp của bạn, bạn càng trở nên nổi bật, dễ thấy hơn trong một môi trường cạnh tranh. Những người bạn Facebook chia sẻ nội dung của bạn với khán giả của riêng họ có nghĩa là bạn có khả năng tiếp cận những người mà bạn khó có thể làm quen hay những đối tượng tiềm năng bạn không ngờ tới. Thương hiệu cá nhân mở ra cơ hội giúp bạn làm quen với những người khác trong ngành, từ đó tối đa tăng vòng ảnh hưởng và được biết đến rộng rãi trong ngành nghề.
c. Phát triển bản thân
Xây dựng thương hiệu cá nhân giúp tăng sự tự tin, hiểu biết và phát triển giá trị của mình trong mắt người nhìn nhận. Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân đó là thấu hiểu bản thân. Bạn cần xác định bản thân muốn làm gì, điểm mạnh và điểm yếu của mình là gì, ban muốn gây ấn tượng với ai để dễ dàng lên chiến lược và phát triển thương hiệu lâu dài và đồng nhất. Từ đó, phát triển bản thân bằng cách tìm hiểu, chủ động nâng cao kỹ năng, khắc phục khuyết điểm và nỗ lực cải thiện bản thân.
4. Bắt đầu hành trình xây dựng thương hiệu cá nhân
Để định hướng và phát triển một thương hiệu cá nhân hiệu quả, trước tiên, bạn hãy trả lời 5 câu hỏi dưới đây :
1. WHY? Tại sao bạn muốn xây dựng thương hiệu? Mục đích của bạn là gì? Câu trả lời sẽ tạo động lực, mục tiêu mạnh mẽ cho sự phát triển thương hiệu và thành công của sự nghiệp bạn muốn theo đuổi.
2. WHAT? Ngách (niche), chuyên ngành, lĩnh vực bạn muốn được biết đến là gì? Điều này sẽ tạo cơ hội cho sự phát triển chuyên sâu; trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định sẽ giúp tăng uy tín, danh tiếng của bạn.
3. WHO? Khán giả và khách hàng tiềm năng của bạn là ai? Khi hiểu được khán giả là ai và họ cần gì, bạn sẽ dễ kết nối và tạo niềm tin với họ.
4. HOW? Phương tiện và cách thức truyền thông cho thương hiệu của bạn là gì? Khả năng kết nối với khán giả trên nhiều nền tảng với những cách thức khác nhau sẽ chạm đến nhiều cá nhân hơn. Bạn sẽ cần tìm hiểu khán giả của mình xem họ yêu thích và tin tưởng nền tảng nào trước khi xây dựng Thương hiệu.
5. VALUE? Giá trị mà bạn mang lại cho cộng đồng? Có thể là giá trị về kiến thức chuyên ngành, cơ hội nghề nghiệp hay sản phẩm hữu ích,... Khi nhận thấy được giá trị (phần lớn là miễn phí) mà bạn mang lại, khán giả có xu hướng chia sẻ, tin tưởng và ủng hộ công việc sau này của bạn.
Sau khi nắm rõ câu trả lời của 5 câu hỏi trên, hãy nghĩ đến ít nhất 3 tính từ mà bạn muốn người khác nói về bạn và 3 tính từ bạn không muốn người khác tả về mình. Khi đã biết bản thân muốn gì và không muốn gì, sễ dễ hơn để bạn chủ động thể hiện và kiểm soát bản thân trước cộng đồng; từ đó phát triển một Thương hiệu uy tín và nhất quán.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng Thương hiệu cá nhân. Bên cạnh Facebook và Instagram, YouTube là một nền tảng giúp đưa hình ảnh của bạn tiếp cận đến nhiều đối tượng và nội dung được truyền tải một cách hiệu quả. Trên thực tế, ngày càng nhiều các bạn học sinh, sinh viên tận dụng nền tảng này để kết nối và phát triển Thương hiệu của mình. Cùng tham khảo 5 năm bạn du học sinh đã thành công xây dựng hình ảnh với kênh YouTube cá nhân tại đây nhé!
Lời kết
Xây dựng thương hiệu cá nhân là một nỗ lực dài và kiên định. Bằng cách tìm hiểu điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và ý thức hơn tới hành động và lời nói của mình, bạn đang khẳng định và nâng cao giá trị cá nhân trước cộng đồng. Khi cuộc đua tìm kiếm việc làm ngày càng trở nên khó khăn và cạnh tranh cao, thì một tấm bằng đại học loại giỏi có lẽ không còn đủ sức thuyết phục. Vì vậy, hãy khiến bản thân trở bên khác biệt, đáng tin cậy và sáng giá trước các nhà tuyển dụng tiềm năng bằng cách bắt đầu xây dựng Thương hiệu cá nhân ngay hôm nay.
Xem thêm
4 câu hỏi giúp bạn chọn được ngành nghề phù hợp với bản thân