Chia sẻ từ VNExpress
Chị Trương Nguyễn Thoại Giang, từng học cử nhân Kế toán và thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở Đại học Victoria (Melbourne, Australia), hiện làm việc cho chính phủ Australia, chia sẻ kinh nghiệm học tập tại nơi này.
Từ nhỏ, tôi đã ước ao được du học, nhưng vì gia đình không có điều kiện nên phải mãi đến sau này khi đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP HCM ngành Hóa học, rồi đi làm 4 năm, tôi mới dành dụm được chút ít làm hành trang khăn gói lên đường tầm sư học đạo. Khi đến Australia, tôi xác định để có một chỗ đứng trong xã hội, phải có thành tích học tập vượt trội để bù lại cái xuất thân từ một nước chậm phát triển và nói tiếng Anh ngọng nghịu.
Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm cá nhân trong những năm học ở Victoria University, hy vọng có ích cho các bạn đang hoặc muốn du học Australia.
Một năm học ở đại học Australia có hai học kỳ, mỗi học kỳ chỉ 13 tuần, nghỉ giữa học kỳ một tuần. Vì thế mỗi học kỳ thật sự là một cuộc đua nước rút ngay từ vạch xuất phát. Thêm vào đó sinh viên quốc tế bắt buộc phải học toàn thời gian tức là phải lấy ít nhất 4 môn (subject) trong một học kỳ.
Quá trình đánh giá kết quả học tập gồm có ba phần. Bài kiểm tra trong lớp ở tuần thứ 5 chiếm khoảng 20% tổng số điểm, bài tập lớn (assignment) về nhà 30% nộp vào tuần thứ 9 và thi cuối học kỳ 50%. Trong buổi lên lớp đầu tiên, giảng viên sẽ thông báo cho sinh viên chương trình học trong toàn học kỳ thông qua bảng hướng dẫn chung (study guide).
Giảng viên cho biết giáo trình (text book) sinh viên bắt buộc phải có, những cuốn sách tham khảo, những bài báo chuyên ngành (journal) cần thiết khi làm bài tập lớn, yêu cầu của môn học, chương trình học và hành mỗi tuần, nội dung bài kiểm tra, đề tài bài tập lớn cho cá nhân hay nhóm (khoảng 4 sinh viên), tỷ lệ đậu rớt, bao nhiêu phần trăm sinh viên trong quá khứ đạt loại xuất sắc, giỏi. Giáo trình là quyển sách gối đầu giường sinh viên nên mua, còn những quyển sách tham khảo khác không sử dụng nhiều có thể mượn ở thư viện trường.
Chương trình học trong một tuần
- Lịch học của một môn trong tuần là hai giờ lên giảng đường nghe giảng bài (với hàng trăm sinh viên) và một giờ thực hành ôn bài, làm bài tập (tutorial) với khoảng 20 sinh viên dưới sự hướng dẫn của thầy/cô trợ giảng (thường là sinh viên mới ra trường). Thời gian tiếp xúc giữa giảng viên và sinh viên chỉ có ba giờ. Sinh viên được yêu cầu phải dành ra thêm ít nhất 9 giờ mỗi tuần tự học.
- Trước khi tới giảng đường, sinh viên được yêu cầu phải đọc 1-2 chương giáo trình và bài giảng (lecture note). Có như vậy sinh viên mới có thể kịp thời nắm bắt thông tin khi lên lớp vì lượng kiến thức giảng viên truyền đạt trong hai giờ nhiều như thác đổ! Sinh viên nước ngoài với khả năng nghe hiểu giới hạn nên phải cố gắng gấp bội phần sinh viên bản xứ.
- Không có cảnh tượng thầy đọc, trò chép như ở đại học Việt Nam. Bạn chỉ cần in bài giảng để tiện theo dõi và ghi chú thêm. Nên chọn ngồi hàng ghế đầu để dễ tiếp cận với giảng viên. Xen kẽ trong bài học, giảng viên đôi khi đề cập đến những vấn đề sẽ xuất hiện trong đề thi nên bạn cần tập trung nghe để không bỏ sót thông tin quan trọng. Nếu vì lý do nào đó mà bạn bỗng nhiên lơ đãng không theo kịp thì vẫn có thể nghe lại sau buổi học, vì các bài giảng đều có thu âm.Bạn nên đến lớp trước vài phút để không cập rập và làm phiền giảng viên hay các sinh viên khác.
- Trước khi đến lớp thực hành, sinh viên được yêu cầu phải chuẩn bị hoặc giải trước bài tập. Thầy/cô trợ giảng không đưa ra đáp án mà chỉ giải đáp gút mắc và hỗ trợ sinh viên tự tìm ra lời giải.
Trong 13 tuần của học kỳ, quan trọng nhất là tuần cuối khi giảng viên ôn bài và dặn dò sinh viên những điều cần nắm bắt trước khi thi.