Table Of Contents [hide]

    Tìm kiếm công việc làm thêm là vấn được phần lớn du học sinh quan tâm và tìm hiểu . Có một số công việc làm thêm phổ biến mà các bạn du học sinh thường làm, ví dụ như: phục vụ, nhân viên sales, hay cũng có thể là những công việc liên quan trực tiếp đến ngành học của các bạn. Cơ hội việc làm dành cho du học sinh thường có rất nhiều, nhưng các bạn cần phải cân nhắc kỹ trước khi ứng tuyển vào một công việc cụ thể, bởi bên cạnh nỗi lo lắng về tiền lương, bạn cũng cần cân nhắc đến môi trường làm việc, thời gian và quan trọng là những gì bạn sẽ đạt được sau quãng thời gian làm việc của mình.

    1. Tìm hiểu kỹ quy định của chính phủ về việc làm thêm

    Hầu hết các quốc gia có nhiều du học sinh trên thế giới đều có quy định riêng về thời gian bạn được đi làm thêm trong một tuần, hoặc độ tuổi phù hợp để bạn đi làm, để đảm bảo việc học tập của bạn không bị ảnh hưởng. Vi phạm những điều kiện này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến visa của bạn. 

    Ví dụ như ở Anh, bạn cần phải trên 16 tuổi và có Tier 4 (General 4) để được phép làm thêm. Hoặc ở Úc, du học sinh được làm thêm tối đa 40 tiếng/ hai tuần. Việc tìm hiểu kỹ những quy định này sẽ giúp bạn tránh khỏi những sai lầm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng nặng nề đến quá trình du học của bạn. Bạn có thể tìm hiểu về những thông tin này từ nguồn tin đáng tin cậy như website của chính phủ hay một số trung tâm tư vấn về du học uy tín. 

    2. Tìm hiểu về chính sách thuế

    Ở Úc, trước khi bạn bắt đầu làm việc, bạn cần phải có Tax File Number (TFN) để đảm bảo bạn đóng thuế phù hợp với công việc đang làm. Bạn sẽ không bị trừ thuế nếu bạn có thu nhập dưới $18,000/ năm. Trường hợp bị trừ thuế, bạn có thể xin hoàn thuế vào cuối năm tài chính. Tương tự với một số quốc gia khác, du học sinh nên tìm hiểu kỹ lưỡng về chính sách thuế của quốc gia mình đang theo học, để có hiểu biết nhất định giúp cho bạn không bị bỡ ngỡ trong quá trình tìm việc làm của mình trong tương lai. 

    Xem thêm: Top 5 công việc làm thêm phổ biến dành cho du học sinh

    3. Làm thế nào để tìm những công việc làm thêm?

    Có rất nhiều nguồn việc làm bạn có thể tìm kiếm như: trên các trang web đăng ký tìm việc, trên hội/nhóm du học sinh qua Facebook,... Bạn có thể đơn giản chỉ cần tạo một tài khoản trên website tìm kiếm việc làm, và đưa ra những mong muốn cụ thể của mình về công việc, lĩnh vực mà bạn muốn làm, sau đó chọn lọc và gửi thông tin cá nhân của mình đến nhà tuyển dụng. Hoặc các chủ cửa hàng cũng có thể đăng tin trực tiếp trên Facebook, qua các hội nhóm của sinh viên/ du học sinh. 

    Việc bạn cần làm chỉ là chú ý cập nhật từ những hội nhóm đó, và đăng ký càng sớm càng tốt khi tìm thấy công việc phù hợp với bản thân mình. Các cửa hàng như quán cafe, nhà hàng ăn cũng có thể đăng tin tuyển dụng ngay tại cửa hàng. Vì vậy, bạn cũng nên chuẩn bị cho mình một bộ hồ sơ hoàn chỉnh, để có thể sẵn sàng ứng tuyển cho công việc bất cứ lúc nào. 

    4. Về thực tập liên quan đến ngành học

    Cơ hội thực hành những kiến thức được học vào môi trường làm việc thực tế luôn là niềm mơ ước của bao sinh viên. Hơn nữa, việc tích lũy kinh nghiệm liên quan đến ngành học sẽ rất có ích khi bạn đi xin việc. Bạn sẽ nâng cao được các kỹ năng liên quan trực tiếp đến công việc, cũng như những kỹ năng mềm cần thiết khi làm việc trong môi trường chuyên nghiệp. Bạn còn có thể có cơ hội được nhận vào làm chính thức sau thời gian thực tập nếu bạn thể hiện tốt. 

    Trường học có thể cung cấp cho bạn thông tin của các công ty tuyển dụng, hoặc bạn cũng có thể tham gia những ngày hội tư vấn và giới thiệu ở trường để tìm kiếm những cơ hội việc làm. Hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng để chọn công việc phù hợp với khả năng của mình, và chuẩn bị thật tốt những kỹ năng mà bạn có để thể hiện bản thân với nhà tuyển dụng nhé!

    Lưu ý: để có thể gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, bạn nên chọn trang phục phù hợp, nhã nhặn trong ngày phỏng vấn. Bạn cũng nên tìm hiểu trước về công ty trước khi tham gia phỏng vấn nhé. 

    Các tips trên không chỉ hữu ích khi bạn đi xin việc trong quá trình học tập trên nhà trường mà còn khi bạn đã tốt nghiệp. Đã bạn nào có thể xin được việc làm với các tips trên chưa? Để lại bình luận cho WikiAbroad biết nhé!

    Trần Ngọc Vân
    Trần Ngọc Vân
    (Chưa có thông tin mô tả)