Gần đây nhờ dịch Covid 19 mà điện thoại mình gần như cháy máy khi liên tiếp nhận được tin nhắn của các em học sinh trong nước hỏi về việc liệu có còn nên chọn đi du học hay không. Vì vậy, nhân một buổi chiều tà yên ả với tách trà nóng đã nhâm nhi hết nửa, mình quyết định đánh vài dòng ghi lại kinh nghiệm bản thân khi đang là du học sinh mong là sẽ giúp ích được các bạn trong việc đưa ra lựa chọn mang tính bước ngoặt này. Vì mình vẫn đi học và chưa chính thức đi làm ở một vị trí full-time nên cách nhìn của mình trong bài viết này chỉ là đúc kết của bản thân đến thời điểm hiện tại nên mong mọi người hãy xem nó như một nguồn tham khảo nhé.
Du học dạy ta cách tiêu tiền ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường:
Quả đúng là vậy các bạn, là một du học sinh chưa kiếm được nhiều tiền nhưng lại phải tiêu một khoản tiền lớn từ bố mẹ vào học phí thì chắc chắn mỗi chúng ta khi đặt chân lên vùng trời mới sẽ đều phải đau đầu cân đo đong đếm làm sao để số tiền mình tiêu hằng ngày vào ăn, ở sinh hoạt phải thật phù hợp mà không hoang phí. Khi đi tìm nhà thuê hay chỉ đơn giản là đi chợ mỗi ngày, du học đều hằng giờ nhắc nhở chúng ta nên tùy ý rút tiền ra khỏi túi hay phải ngậm ngùi nhét lại vào trong. Đã thế tỉ giá đồng ngoại tệ của các nước như Mỹ, Úc, Canada... so với Việt Nam đồng thường cao hơn rất nhiều nên thành ra du học sinh mới tuổi 18 đôi mươi mà đã nhận thức rồi hiểu biết cặn kẽ giá trị của đồng tiền là như thế nào và cách tiêu tiền làm sao cho đúng đắn. Thành ra về lâu về dài du học sẽ giúp bạn tự tin và quyết đoán trong việc đưa ra các quyết định lớn liên quan đến tiền bạc hoặc đầu tư, vì tại thời điểm ở nơi đất khách quê người ấy, bạn sẽ chỉ có một mình mà không phải lúc nào cũng có thể hỏi bố mẹ người thân xem mình tiêu tiền mệnh giá lớn như vậy là đúng hay sai. Nói cách khác, có thể gọi nôm na du học là cuộc đầu tư từ tiền bạc, thời gian đến công sức nên ngay khi bạn quyết đi du học là bạn đã bắt đầu cho phép bản thân trưởng thành để thử sức tự tiến vào cuộc đầu tư đầu tiên trong đời.
Nếu xem du học nôm na là một cuộc đầu tư thì một trong những việc đầu tiên chúng ta học được đó là đàm phán, mà cái khó ở đây là bạn phải giao tiếp bằng một ngôn ngữ hoàn toàn khác:
Kĩ năng đàm phán bằng tiếng anh này không nói đâu xa nó sẽ bắt đầu hình thành ngay khi bạn lên ý tưởng rồi đặt bút viết bài luận xin học bổng cho đến lúc phóng vấn rồi nhận offer. Sự thật đã chứng minh, kĩ năng “đàm phán” của bạn càng giỏi thì số tiền học bổng bạn nhận càng lớn. Vì ở một mình cách xa bố mẹ nên kĩ năng đàm phán của bạn sẽ được trau dồi cải thiện từng ngày vì tin mình đi khi bạn sống độc lập sẽ có cả tá vấn đề xuất hiện buộc bạn phải đưa ra đàm phán để bảo vệ cũng như đem lại lợi ích cho bản thân. Ngoài ra, xa hơn một chút thì đàm phán diễn ra lúc bạn đi thuê phòng/ nhà ở nước ngoài để làm sao có thể bàn luận đề ra một mức giá phù hợp cho cả người thuê lẫn cho thuê là cả một nghệ thuật mà chỉ có du học mới dạy free những sinh viên chưa ra trường như bạn.
Coi du học như cuộc đầu tư lâu dài thì ta sẽ học được rất nhiều thứ không chỉ là cách tiêu tiền, đàm phán và mà còn là các kĩ năng khác nữa. Đặc biệt, trong khái niệm kinh doanh, đã có đầu tư thì phải kiếm lời và lời từ du học là gì thì mời các bạn đón đọc các phần tiếp theo do mình tự đúc kết ở các số sau nhé! Hiện tại bài viết đã dài nên mình sẽ dừng tại đây.