Table Of Contents [hide]

    Ở phần trước, WikiAbroad đã tái hiện những nổi ám ảnh không hồi kết mùa “tôi-work” phiên bản du học sinh. Trên thực tế, “team-work” hay “tôi-work” đều không quá đáng sợ như bạn tưởng tượng. 

    Thế nhưng, để giúp các du học sinh vượt qua khủng hoảng “Tôi-work”, đặc biệt trong mùa Cô-Vy 6.0, WikiAbroad sẽ mang đến các “tips” sống còn khi các mùa “tôi-work” ghé thăm.

    Sắp xếp thứ tự ưu tiên cho từng đầu việc

    Trong phần 1( xem tại đây), làm việc nhóm không hiệu quả không chỉ dẫn đến “tôi-work”, giảm hiệu suất làm việc mà còn dẫn đến tình trạng kiệt sức và gây hại đến sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, trường hợp bạn buộc phải “tôi-work” và hạn nộp bài thì chồng chất giữa các môn, ngoài ra bạn còn phải đi làm thêm và tham gia một vài dự án khác, bạn sẽ làm gì? Sắp xếp thứ tự ưu tiên cho từng đầu việc là một trong những chiếc phao cứu sinh giúp mùa “tôi-work” của bạn bớt trở nên áp lực hơn.

    Sắp xếp thứ tự như thế nào? Hãy ghi chép lại thời hạn nộp bài ngay bây giờ và đừng đợi đến sát ngày mới bắt đầu bạn nhé! Sắp xếp thứ tự các môn học theo deadlines (hạn nộp bài) và tính toán xem bạn có bao nhiêu thời gian để có thực hiện “tôi-work” ở mỗi dự án nhóm. 

    Hãy sắp xếp các thứ tự ưu tiên để ước tính thời gian và giảm rủi ro từ “tôi-work”

    Lưu ý: “Tôi-work” không đồng nghĩa với việc một mình bạn hoàn tất hết các dự án nhóm. Nói cách khác, “Tôi-work” ám chỉ tình trạng bạn phải làm các đầu việc khó và các việc như chỉnh sửa phong chữ, cách trình bày cũng như proofread lại bài của cả nhóm.

    Sau khi ước tính thời gian, hãy ngay lập tức bắt tay vào nghe lại ghi âm bài giảng, làm lại bài tập được giao và ngay lập tức áp dụng ngay vào câu hỏi trong bài báo cáo. Đồng thời, hãy lên một danh sách các câu hỏi bạn phải hoàn thành trong ngày và tick(đánh dấu) vào câu hỏi đã được hoàn thành.

    Việc cuối cùng bạn cần làm sau khi đã hoàn thành xong các câu hỏi bạn được giao chính là tạo một template (mẫu) báo cáo chung cho cả nhóm, chỉnh sửa cách trình bày và bắt đầu đốc thúc các thành viên nhanh chóng gửi phần bài của họ.

    Bằng việc sắp xếp thứ tự ưu tiên, bạn sẽ chia nhỏ hơn các đầu việc cần làm, nhờ đó mà phân bố thời gian hợp lý hơn cũng như theo sát được tiến trình công việc, giảm bớt trạng thái FOMO (một hội chứng sợ sẽ bỏ lỡ một điều gì đó) và áp lực từ deadines.

    Đừng quên “hỏi thăm” đồng đội vào mỗi tuần

    Dù bạn là thành viên hay vô tình trở thành trưởng nhóm, dù là “team-work” hay “tôi-work”, thì đồng đội vẫn luôn là chiếc phao cứu bạn ra khỏi áp lực làm việc nhóm, đặc biệt khi hạn nộp bài lại gần kề. Để giảm tối thiểu rủi ro “tôi-work” khi làm việc nhóm, hãy đảm bảo rằng các bạn ít nhất đặt ra một hoặc hai yêu cầu sau:

    • Thời hạn nộp của các phần việc cá nhân
    • Lên tiếng nếu bạn cần sự trợ giúp/ trao đổi trong quá trình làm dự án
    “tôi-work” không đồng nghĩa bạn chịu hoàn toàn trách nhiệm của cả dự án! Hãy cho đồng đội biết họ nên làm gì và đặt ra những yêu cầu tối thiểu thường xuyên hỏi thăm"

    Tại thời điểm này, bạn đã có ước tính chính xác lượng thời gian bạn có thể sử dụng để đầu tư vào dự án nhóm này. Hãy tạo ghi nhớ “hỏi thăm” các đồng đội của mình ít nhất mỗi tuần và chủ động nhắn vào trong hộp tin nhắn của nhóm mỗi khi bạn hoàn thành một phần báo cáo nào đó. Điều này sẽ “làm gương” cho các đồng đội khác trong nhóm cũng như là bằng chứng cho thấy bạn thật sự nghiêm túc cống hiến trong bài tập nhóm này.

    Trong trường hợp bạn không thể liên lạc được cho một thành viên bất kỳ trong nhóm, hãy báo cáo với giáo viên bộ môn để thầy/cô có thể xem xét trường hợp của bạn và tránh tình trạng trễ hạn nộp bài. Bên cạnh đó, “tôi-work” không đồng nghĩa với việc bạn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho cả dự án. Hãy nghiêm khắc và đảm bảo thành viên trong nhóm hiểu được rằng “nếu không có thái độ nghiêm túc, bạn sẽ bị báo cáo lên giáo viên và dĩ nhiên, bạn sẽ không được hưởng số điểm mà nhóm đạt được!”.

    Xin gia hạn (Extension) nếu cần thiết

    Đôi khi, việc sắp xếp thứ tự ưu tiên và ước lượng thời gian sẽ vượt tầm kiểm soát bởi lẽ câu hỏi yêu cầu khả năng lập luận và quá trình nghiên cứu sâu hơn của sinh viên. Và, bạn cần nhiều thời gian hơn để chắc rằng bài báo cáo nhóm bạn sẽ đạt đến chất lượng D và HD mà giảng viên yêu cầu. Vậy, đơn xin gia hạn chính là giải pháp lúc này dành cho nhóm bạn!

    Nếu phải “tôi-work” và quá áp lực với deadlines chồng chất, hãy xin gia hạn thêm thời gian từ giảng viên

    Hãy cho giảng viên bộ môn biết rằng bạn thật sự đang có rất nhiều hạn nộp bài và nhóm bạn đang cố gắng hoàn thành dự án này! Tuy nhiên, bạn cần thêm thời gian để đảm bảo sản phẩm nộp cuối cùng đạt chất lượng cao nhất có thể. Đừng quá lo sợ khi xin hạn nộp bài, các thầy cô sẽ thấu hiểu cho trường hợp của bạn và sẽ tạo điều kiện tốt nhất giúp bạn hoàn thành tốt dự án nhóm! Một điều bạn cần lưu ý trước khi gia hạn thời gian chính là hãy đảm bảo rằng tất cả các thành viên trong nhóm đều biết về đơn gia hạn này và lí do tại sao nhóm cần gia hạn thêm thời gian bài tập! Đừng “gánh vác” tất cả mọi thứ, hãy cho mọi người biết bạn cần giúp đỡ!.

    Kỷ luật thép với bản thân 

    Tất nhiên, khi vừa phải “tôi-work”, vừa phải “tăng tốc” để có thể đuổi kịp các deadlines, bạn sẽ không tránh khỏi tình trạng mất động lực, kiệt sức, và bị bủa vây bởi những suy nghĩ tiêu cực. Thậm chí, ý chí của bạn ngay lập tức bị đánh bại bởi suy nghĩ từ bỏ. Thế nhưng, bạn không có quá nhiều thời gian để thư giãn và việc trì hoãn sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của bạn, công việc bán thời gian cũng như các dự án khác. Vậy, hãy đối phó với tình huống này bằng cách tạo một kỷ luật thép với bản thân! 

    Rèn luyện khả năng tăng cường độ, tốc độ và khả năng tập trung bởi khi “tôi-work”, bạn cần xử lý rất nhiều việc

    Cũng như việc tập thể dục thể thao, hãy tạo suy nghĩ tăng cường độ tốc độ làm việc mỗi ngày. Thay vì chỉ dừng lại ở việc nghe ghi âm bài giảng, hãy vừa nghe, vừa áp dụng vào dự án báo cáo của bạn và tìm các tạp chí chuyên ngành (journal articles) liên quan. Hãy học cách “tạm cất” những thiết bị điện thoại và tập trung vào một đầu việc. 

    Tuy nhiên, tinh thần thép không đồng nghĩa với việc “ép” bản thân làm việc quá sức trong một thời gian quá dài. Hãy dành từ 30 phút đến một tiếng thư giãn, loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực trong đầu và lại tiếp tục làm việc sau khi tâm trạng đã bình tĩnh hơn. Ngoài ra, hãy nhìn “tôi-work” và các deadlines như một thử thách mà bạn phải chinh phục. Hơn hết, chính những trải nghiệm “tôi-work” sẽ cho bạn thấy khả năng quản lí thời gian đáng ngạc nhiên của bản thân!

    LỜI KẾT

    “Tôi-work” tuy luôn là nỗi ám ảnh của du học sinh, thế nhưng, khi nhìn ở một khía cạnh khác sẽ cho bạn những khám phá bất ngờ về giới hạn của bản thân cũng như khả năng quản lý thời gian trong môi trường áp lực. Dù thực tế, không phải tất cả các dự án bài tập nhóm đều rơi vào tình trạng “tôi-work”, nhưng WikiAbroad hi vọng, những tips này sẽ là những chiếc phao cứu sinh cho bạn mỗi mùa “tôi-work”.

    Chúc các bạn may mắn với các mùa “tôi-work” !

    Hãy chia sẻ và bình luận các phương pháp và những kỉ niệm “Tôi-work” của bạn nhé!

    Van Dao
    Van Dao
    (Chưa có thông tin mô tả)