Bạn đã từng mơ về những ngày tháng bay nhảy trời Tây?
Bạn nghĩ về ngày tháng du học ở Châu Âu với những điều tốt đẹp?
Không ai dự định đi du học mà không mang trong mình hoài bảo cả. Vậy bạn đã sử dụng tấm vé cơ hội đó như thế nào?
Nhưng cuộc đời là vậy, luôn có những thứ khó đoán ở phía sau dù ta đã chuẩn bị sẵn tinh thần đối diện với nó. Vậy điều ấy là gì?
1.Độ khó của chương trình đào tạo
Châu Âu nổi tiếng từ lâu về chất lượng đào tạo mang đẳng cấp thế giới. Đại học Oxford, Đại học Cambridge của Anh, ETH Zurich (Viện Công nghệ Liên bang Zurich) của Thuỵ Sỹ,… là những cái tên quen thuộc trong bảng xếp hạng các trường Đại học trên thế giới.
Chẳng hạn như Pháp, cũng là một trong nhiều nước chuyên đào tạo các ngành Khoa học cơ bản như Toán, Vật lý, Hoá-Sinh. Đây cũng là nơi hội tụ của các nhà khoa học từng giành nhiều giải thưởng danh giá. Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu, người Việt Nam lần đầu tiên đoạt giải thưởng Fields, đã từng nghiên cứu và giảng dạy tại trường Đại học Paris XI, một trường đại học nổi tiếng của Pháp trong thời gian dài.
Đi đôi với danh tiếng là độ khó của chương trình đào tạo.
Môn học không chỉ nặng về lý thuyết, mà còn yêu cầu cao về khả năng thực hành của từng sinh viên. Chính vì vậy, tính kiên trì và cầu tiến luôn là điều then chốt để bạn có thể giữ vững niềm đam mê trước nhiều áp lực học tập. Lời khuyên dành cho các bạn là hãy định hướng ngành học càng sớm càng tốt trước khi du học, vì đó là chìa khoá giúp bạn vượt qua những hoài nghi của bản thân trong quá trình du học tại xứ Âu.
2.Cơ sở vật chất
Tùy các ngành học, cơ sở vật chất sẽ đáp ứng theo. Có lẽ đầu tiên, bạn sẽ hứng thú với thư viện của trường đại học. Rộng lớn và sạch sẽ. Đến đây, bạn sẽ được thay đổi không gian học tập, tiếp cận các nguồn sách đa dạng, và tận hưởng cơ sở vật chất như phòng máy tính hoặc phòng làm việc nhóm.
Thời điểm dịch Covid 2020 khiến cho việc học ở thư viện khó khăn đôi chút. Bạn sẽ phải đặt chỗ trước để đến thư viện.
3.Học cách hòa nhập
Khó khăn trong giao tiếp, thường “mất lời” trong những cuộc tranh luận, cảm thấy mối quan hệ “nhạt nhoà”, tự ti... là điều mà các bạn sẽ dễ cảm thấy vào những ngày đầu nhập học. Nhà và trường học chỉ khác nhau về khái niệm “địa điểm”, bởi vậy ngày tháng của bạn sẽ trôi qua chóng vánh chỉ với những buổi học và kỳ thi.
Sống ở châu Âu một thời gian, bạn sẽ phát hiện ra rằng, thực tế “các bạn học nước ngoài” không để ý đến nhiều khuyết điểm ngôn ngữ như bạn thường nghĩ. Dĩ nhiên, họ biết, nhưng thay vì đánh giá ngay con người bạn, họ sẽ giúp bạn sửa lỗi từng chút một và điều đó khiến bạn nhớ lâu hơn bao giờ hết.
Học cách hòa nhập vô cùng quan trọng. Châu Âu là đất nước du học nên sẽ có rất nhiều người có điểm chung như bạn. Việc của bạn chỉ là thúc đẩy chính mình từng ngày cởi mở chút một, thì cuộc sống sinh viên của bạn sẽ thay đổi rất nhiều. Biết đâu mối quan hệ mà bạn có ngày hôm nay, sẽ là cơ hội lớn sẵn sàng giúp đỡ bạn sau này?
4.Và đừng quên đi chơi!
Trải nghiệm học tập mà không nhắc đến trải nghiệm sống thì thật lãng phí. Mỗi ngày đi nơi này nơi kia, bạn lại học thêm một thứ mới. Châu Âu, hay “Lục địa già”, là cái nôi của một nền văn hóa khác hoàn toàn so với Châu Á.
Đặc biệt hơn, người dân châu Âu cũng rất tôn trọng văn hoá lịch sử. Thăm thú bảo tàng là một trong sở thích khá thú vị của người dân bản địa nơi đây. Học văn hóa cũng là cách làm giàu kiến thức ngoài đời.
Tóm lại, đúng là du học mang thật nhiều điều khó khăn, tuy vậy, nếu đã vượt qua chúng, bạn gần như đã thành công để trở thành người mà mình mong muốn. Vậy tấm vé châu Âu ấy phải chăng quá quý giá?