Chọn chuyên ngành học là một quyết định quan trọng và cần được cân nhắc kỹ càng. Việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân ngay từ đầu sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Từ đó, quãng thời gian đại học trở nên có ích và ý nghĩa. Một chuyên ngành đại học đúng sẽ là giao thoa của 4 yếu tố dưới đây.
1. Bạn yêu thích và quan tâm điều gì ?
Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi cân nhắc giữa các ngành học. Sự yêu thích, niềm đam mê sẽ tạo động lực và hứng thú trong nhiều năm học tập và giữ bạn kiên định để theo đuổi ngành nghề sau này. Chuyên ngành cần phải phản ánh sở thích, mối quan tâm của bạn. Còn gì tuyệt hơn là được làm điều mình thích và đồng thời mang thu nhập!
Hãy nghĩ đến những sở thích cá nhân mà bạn duy trì lâu dài như chơi thể thao, vẽ tranh hay công việc mà bạn thường làm vào thời gian rảnh mà bạn cảm thấy thời gian trôi qua không vô nghĩa. Niềm đam mê sẽ được bộc lộ qua những thuộc tính, hành động và phẩm chất của công việc bạn yêu thích. Ngoài ra, các môn học trên trường cũng giúp bạn xác định được ngành nghề phù hợp. Bạn thấy hứng thú và đạt kết quả tốt ở những môn khoa học đòi hỏi tư duy hay các môn xã hội mang tính sáng tạo? Khi học lên bậc đại học, các ngành đào tạo sẽ yêu cầu học những môn khác nhau. Việc biết bản thân thích học toán hay văn sẽ giúp việc chọn ngành và môn học dễ dàng hơn.
Sau khi xác định được sở thích, bạn cần nghĩ xa hơn về giá trị của bản thân và ngành nghề bạn hướng tới. Ngành nghề của bạn có tác động gì đến xã hội, di sản của bạn sau này là gì? Ví dụ, bạn đam mê kinh doanh và quan tâm đến môi trường. Hãy tự hỏi bản thân, ngành học nào sẽ giúp bạn đạt được ước muốn và doanh nghiệp sau này liệu sẽ ảnh hưởng tốt đến hệ sinh thái hay không.
2. Bạn giỏi làm việc gì?
Sau khi biết sở thích và đam mê, bạn cần xác định thế mạnh và tài năng của bản thân. Bạn có thể đánh giá những kỹ năng đã giúp bạn đạt được thành công trong quá khứ. Đôi khi, sự tự tin và lời khen của những người xung quanh cũng phản ánh điểm mạnh của bạn. Ví dụ, bạn có tự tin khi thuyết trình hay được người khác công nhận bởi kỹ năng quản lý thời gian?
Đánh giá tài năng và thế mạnh không những giúp bạn tìm được ngành học mong muốn, mà còn có lợi trong quá trình học tập và làm việc sau này. Bạn có thể cân nhắc tài năng bẩm sinh như cảm âm, nghệ thuật hay kỹ năng được rèn luyện như phân tích số liệu, viết lách. Hãy chọn một chuyên ngành học mà bạn có thể tận dụng tốt thế mạnh của mình và cảm thấy tự tin để theo đuổi ngành nghề đó.
3. Thị trường đang cần gì ?
Câu hỏi này tập trung vào nhu cầu của xã hội và thị trường việc làm. Giữa bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 và sự phát triển không ngừng của nền công nghiệp, nhu cầu của thị trường luôn cần được cập nhật mới tại thời điểm. Bạn cần tránh những ngành nghề không có nhu cầu, thừa tài năng và có khả năng bị thay thế bởi AI.
Khi hiểu được thị trường cần gì, bạn có thể đáp ứng yêu cầu đó bằng cách chọn chuyên ngành, nghề phù hợp và có triển vọng phát triển trong tương lai. Điều này sẽ khiến bản thân trở nên giá trị, được săn đón bởi các nhà tuyển dụng tiềm năng và được coi trọng trong xã hội. Hãy tham khảo các nhóm ngành hot nhất hiện nay và cân nhắc thị trường lao động địa phương, quốc gia và quốc tế khi lựa chọn ngành nghề.
4. Mục tiêu dài hạn của bạn là gì ?
Khác với câu hỏi đầu mang tính cảm nhận, thì câu cuối cùng này có thiên hướng nghiêng về lý tín và logic. Xác định mục đích học tập và lập kế hoạch dài hạn sẽ giúp bạn tìm ra ngành học phù hợp và rút ngắn lộ trình thăng tiến trong sự nghiệp. Nếu bạn có dự định đi du học với mục đích định cư tại nước ngoài, hãy tìm hiểu những ngành nghề mà đất nước đó đang thiếu nhân lực. Ngành học của bạn cần phục vụ cho mục tiêu dài hạn, ví dụ như nối nghiệp đình hay đạt được một vị trí nhất định trong xã hội. Việc có một lộ trình rõ ràng trong 5, 10 năm tới sẽ giúp bạn dễ hình dung con đường và chuẩn bị cho những khó khăn có thể gặp phải trong tương lai. Vì vậy, trước khi cân nhắc giữa các ngành học, hãy lên kế hoạch và mục tiêu dài hạn cho bản thân.
5. Bài trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp
Ngoài ra, bạn có thể thử làm một số bài trắc nghiệm nghề nghiệp để được tư vấn chọn ngành phù hợp với bản thân. Tuy nhiên, đừng quá lạm dụng các bài test này mà hãy chỉ dùng với mục đích tham khảo và đồng thời kết hợp với những yếu tố trên nhé. Dưới đây là các bài trắc nghiệm giúp bạn định hướng ngành học phù hợp tính cách.
a. Bài trắc nghiệm tính cách MBTI
Với mục đích phân tích tính cách con người, bài trắc nghiệm MBTI (Myers-Briggs Type Indicator) hỏi những câu hỏi về cách phản ứng, thói quen và suy nghĩ trong những tình huống hàng ngày. Kết quả sẽ phân loại tính cách của bạn và chỉ ra cách bạn nhìn nhận thế giới và ra quyết định cho các vấn đề trong cuộc sống. Bài trắc nghiệm MBTI sẽ gợi ý một số ngành nghề phù hợp dựa trên mức độ đồng nhất của tính chất công việc và tính cách của bạn.
Bạn có thể làm bài trắc nghiệm MBTI tại đây.
b. Bài trắc nghiệm Holland
Bài trắc nghiệm Holland được phát triển dựa trên mô hình phân loại tính cách tương ứng với 6 nhóm ngành nghề chuyên biệt. Các nhóm bao gồm : Investigative, Realistic, Social, Enterprising, Artistic và Conventional. Tương tự MBTI, bài trắc nghiệm Holland được thiết kế với những câu hỏi đơn giản trong cuộc sống hàng ngày. Qua bài test, bạn sẽ hiểu được tính cách, khả năng của bản thân; từ đó, tìm cho mình một môi trường và ngành nghề phù hợp.
Bạn có thể làm bài trắc nghiệm Holland tại đây.
c. Bài trắc nghiệm DISC
Dựa trên một hệ thống câu hỏi cụ thể, bài trắc nghiệm DISC xác định tính cách và xu hướng hành vi người dùng. Bài test yêu cầu bạn nêu suy nghĩ, sở thích và cách phản ứng trong những tình hướng thực tế. Đây là một cung cụ được các nhà tuyển dụng sử dụng giúp họ nắm bắt và phát triển tiềm năng của nhân viên. Bạn có thể tham khảo bài trắc nghiệm DISC để hiểu thêm về bản thân và được tư vấn cải thiện cấc kỹ năng giao tiếp, xây dựng mối quan hệ cộng đồng.
Bạn có thể làm bài trắc nghiệm DISC tại đây.
Tạm kết
Lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân ngay từ đầu sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Tuy nhiên, "nên chọn ngành nghề nào” vẫn luôn là một câu hỏi khó không chỉ với các bạn học sinh mà cả những người đang đi làm. Một chuyên ngành đúng với bản thân sẽ là giao thoa của 4 yếu tố: đam mê, tài năng, nhu cầu và mục tiêu. Ngoài ra, hãy thử tham khảo các bài trắc nghiệm trên để có định hướng về những ngành nghề phù hợp với tính cách của bạn nhé.
Xem thêm
10 ngành nghề hot nhất hiện nay