Table Of Contents [hide]

    Đi làm thêm là một khái niệm không mới đối với các du học sinh. Đây là cách giúp họ kiếm thêm thu nhập và chủ động tiếp thu văn hóa của môi trường nước ngoài. Tuy nhiên, không hiếm để bắt gặp trường hợp chủ doanh nghiệp Úc bóc lột người lao động, đặc biệt là các du học sinh mới qua. Lý do bởi các bạn trẻ chưa quen và hiểu biết về nguyên tắc và luật bảo vệ người lao động tại Úc.

    1. Như thế nào là bóc lột sức lao động khi làm thêm?

    Bóc lột sức lao động khi đi làm tại Úc bao gồm: trả lương dưới mức quy định, yêu cầu quá giờ làm, bị đối xử không công bằng và bị mạt sát trong quá trình làm việc.

    a. Trả lương dưới mức quy định

    Mức lương tối thiểu cho người lao động được chính phủ Úc quy định theo độ tuổi. Người trên 21 tuổi phải được trả lương từ $20.50/giờ, dưới 20 tuổi phải được trả ít nhất $16.40/ giờ (tham khảo bảng sau đây). 

    Mức lương tối thiểu theo độ tuổi cho người lao động tại Úc

    Có một điều phổ biến là các chủ doanh nghiệp, đặc biệt là ngành nhà hàng, dịch vụ, thường trả lương cho nhân viên bằng tiền mặt để tránh quy định này. Họ thường thuê các du học sinh mới qua và thỏa thuận mức lương bằng lời nói thay vì hợp đồng, giấy tờ rõ ràng. Theo quy định, chủ doanh nghiệp có quyền trả lương bằng tiền mặt với điều kiện một khoản tiền được trừ đi và nộp lên cục thuế Úc. Vì vậy, cụm từ “cash in hand” để tả việc trả tiền mà không cần thuế là hoàn toàn vi phạm pháp luật. 

    Một số nơi họ sẽ đưa ra lý do là giúp bạn không phải đóng thuế cho nhà nước.  Khi trả lương qua ngân hàng, bạn sẽ bị trừ đi một phần tiền để đóng thuế mỗi tuần. Tuy nhiên, nếu thu nhập dưới $18,000/ năm, bạn sẽ được chính phủ Úc trả lại hoàn toàn số tiền bị trừ vào cuỗi mỗi năm. 

    Ngoài ra, theo quy định của Chính phủ Úc, người lao động cần được trả lương theo giờ cho thời gian huấn luyện việc (training) và họp mặt (meetings). Số tiền được trả cho quá trình training tùy thuộc vào chủ doanh nghiệp; phần lớn là 50% lương chính thức. Khi tìm kiếm việc làm thêm, du học sinh nên lưu ý và tránh nhận làm tại những nơi trả lương dưới quy định và bằng tiền mặt với hợp đồng lao động không rõ ràng. Khi phát hiện ra trường hợp phạm pháp, bạn có thể report chủ và doanh nghiệp lên Fair Work.

    b. Yêu cầu quá giờ làm

    Tùy vào chương trình học là full-time hay part-time, bachelor hay master, chính phủ Úc có quy định riêng về việc số giờ làm thêm cho từng loại visa du học. Học sinh quốc tế chỉ được phép làm tối đa 20 tiếng một tuần trong kỳ học và 40 tiếng/ tuần vào thời gian nghỉ. Tuy nhiên, nếu bạn làm trong lĩnh vực dịch vụ nhà hàng khách sạn (hospitality), bạn sẽ không bị giới hạn về số giờ làm việc. Du học sinh bằng master được phép làm thêm đến 40 tiếng một tuần.

    Tuy nhiên, bạn cần lưu ý cân bằng giữa việc học và việc làm. Du học sinh có quyền từ chối nhận thêm giờ nếu thấy sức khỏe và học tập bị ảnh hưởng. Yêu cầu quá giờ làm ngoài ý muốn cũng được chính phủ Úc coi là hành vi bóc lột sức lao động. Bạn có quyền báo cáo chủ lên chính phủ (Fair Work) nếu gặp trường hợp này.

    Làm thêm tại Úc

    c. Bị đối xử không công bằng và mạt xác trong khi làm thêm

    Đây là trường hợp phổ biến với cả những du học sinh mới qua và người lao động lâu năm tại Úc. Vì lý do sợ bị mất việc, mất thu nhập, khó kiếm việc mới mà nhiều sinh viên chấp nhận bị đối xử tệ trong quá trình làm việc. Đây là một trong những vấn đề bị Úc coi là nghiêm trọng nhất. Người lao động có quyền phản ánh doanh nghiệp lên Fair Work nếu bị đối xử không công bằng, không được nhận việc hay đuổi việc vì các lý do như màu da, chủng tộc, giới tính, xu hướng giới tính, tôn giáo, tình trạng hôn nhân và có thai. 

    Du học sinh làm thêm

    2. Tại sao du học sinh bị bóc lột sức lao động khi đi làm thêm tại Úc?

    Hầu hết các du học sinh đều nhận thức được rằng họ đang bị trả lương thấp, nhưng rất ít người phàn nàn về điều đó. Báo cáo Sinh viên Quốc tế và Trộm cắp tiền lương ở Úc được công bố năm ngoái cho thấy hơn 3/4 những người được khảo sát trên 20 tuổi đã được trả dưới mức lương tối thiểu theo giờ bình thường. Trong đó,  20% đã làm việc với mức lương 12 đô la một giờ hoặc ít hơn. Khảo sát Việc làm Di cư Tạm thời Quốc gia năm 2016 cho thấy chỉ 10% sinh viên quốc tế bị trả lương thấp đã hành động và chỉ 18% trong số đó đến văn phòng Fair Work. Vậy tại sao du học sinh lại chấp nhận bị bóc lột sức lao động khi đi làm thêm?

    a. Sinh viên quốc tế bị bóc lột "hài lòng" với công việc

    Theo Alex Reilly, giám đốc đơn vị nghiên cứu luật và chính sách công của Đại học Adelaide, một số lượng đáng kể sinh viên quốc tế thực sự nói rằng họ "hài lòng" với công việc của mình, mặc dù nhận mức lương thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu hợp pháp. Cuộc khảo sát cho thấy 32,4% sinh viên quốc tế được trả dưới mức lương tối thiểu theo giờ cảm thấy hài lòng với khoản thanh toán của họ "vì bạn bè của họ cũng được trả một số tiền tương tự". Có thể thấy, việc trả lương không đúng luật cho sinh viên quốc tế là một việc phổ biến. Điều này ảnh hưởng lớn đến nhận thức và suy nghĩ của người lao động về môi trường làm việc tại Úc và luật lao động nói chung.

    Du học sinh đi làm thêm tại Úc

    b. Đi làm thêm để trải nghiệm và học hỏi văn hóa

    Du học sinh mới qua thường được khuyên nên đi làm thêm để trải nghiệm cuộc sống và văn hóa. Vì vậy, việc bị trả lương không xứng với sức lao động không được họ quan tâm và  bị chdễ dàng bị chủ doanh nghiệp lợi dụng. Giáo sư Reilly cho biết nhiều sinh viên quốc tế xem công việc được trả lương thấp như một cơ hội để có kinh nghiệm, gặp gỡ người Úc và cải thiện kỹ năng tiếng Anh. Từ đó, họ dễ dàng làm quen, hòa nhập cuộc sống và giúp ích cho việc học tập.

    c. Du học sinh sợ bị ảnh hưởng đến visa nếu phản ánh chủ doanh nghiệp.

    Đây là một lý do, suy nghĩ sai lầm của phần lớn những người mang thị thực đang ở nước ngoài. Người lao động tại Úc có các quyền như nhau, bất kể quốc tịch hay tình trạng visa. Người mang thị thực có thể yêu cầu sự giúp đỡ từ Fair Work mà không sợ visa của họ bị hủy bỏ hay ảnh hưởng do vi phạm các điều kiện thị thực liên quan đến công việc của họ. 

    Ví dụ, bạn được yêu cầu và đã làm số giờ quá quy định của visa. Khi báo cáo tình trạng này lên văn phòng Fair Work, việc vi phạm điều kiện này sẽ không bị xuy xét, dẫn đến visa của bạn không bị ảnh hưởng. Thay vì đó, người báo cáo cần thỏa thuận với Fair Work là sẽ tích cực hỗ trợ, giải đáp thắc mắc, cam kết tuân thủ các điều kiện thị thực trong tương lai và chỉ vi phạm các điều kiện liên quan đến công việc trong thị thực của họ.

    Đi làm thêm tại Úc

    3. Cách báo cáo lên Fair Work

    Trước khi nộp đơn khiếu nại, bạn nên thực hiện các bước sau:

    1. Nói chuyện với chủ / người bảo lãnh / văn phòng tư vấn du học. Vấn đề có thể được thỏa thuận và sửa chữa dễ dàng sau khi được làm rõ và thấu hiểu giữa các bên.
    2. Nếu bạn tin rằng bạn đang bị trả thấp hay nợ một khoản tiền, hãy viết thư cho chủ lao động / người bảo lãnh / văn phòng tư vấn du học để chính thức yêu cầu số tiền phải trả cho bạn.
    3. Tìm kiếm lời khuyên pháp lý nếu có thể. LawAccess NSW là dịch vụ điện thoại miễn phí của chính phủ cung cấp thông tin pháp lý, giấy giới thiệu và lời khuyên cho những người gặp vấn đề pháp lý ở NSW. Hiệp hội Luật sư NSW cũng điều hành Dịch vụ Giới thiệu Luật sư (SRS) có thể cung cấp hỗ trợ cá nhân.

    Người khiếu nại cần:

    • Hiện đang được tuyển dụng hoặc làm việc trong vòng 12 tháng ngay trước khi nộp đơn khiếu nại;
    • Có quyền được nghỉ phép dài hạn liên quan đến việc làm với người sử dụng lao động trong 12 tháng ngay trước khi nộp đơn khiếu nại;
    • Chứng kiến hoặc chịu ảnh hưởng bởi việc bóc lột sức lao động và vi phạm pháp luật của chủ doanh nghiệp

    Cách khiếu nại lên Fair Work

    Bạn có thể khiếu nại ẩn doanh chủ doanh nghiệp hay doanh nghiệp tại đường link ở đây.

    Nếu bạn không thể giải quyết các vấn đề về các quyền lợi còn tồn đọng của mình, bạn có thể gọi cho Bộ phận Quan hệ Công nghiệp NSW theo số 131 628 để thảo luận.

    Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về quyền lao động tại Úc, cách giải quyết vấn đề và trực tiếp report doanh nghiệp online tại đây.

     

     

    Minh Thư Đỗ
    Minh Thư Đỗ
    (Chưa có thông tin mô tả)