Trước đây, mình từng nghĩ người hướng nội thì không hợp đi du học. Đa số người hướng nội là những người thường có xu hướng thích sự yên tĩnh và dành cho mình không gian riêng để làm những điều mình thích. Họ không giỏi giao tiếp cũng như là khó hòa nhập vào môi trường mới một cách nhanh chóng nên du học - học tập ở một đất nước mới, gặp gỡ những người bạn mới - không dành cho người hướng nội, như mình. Mình đã nghĩ ra 101 tình huống và vấn đề mình sẽ gặp phải khi du học:
Không thể kết bạn
Khác hẳn với các bạn hướng ngoại - thích kết bạn và mở rộng các mối quan hệ - mình là một người khá rụt rè và ngại giao tiếp. Trong một đám đông, mình chẳng biết nên bắt chuyện người nào huống chi là trong một môi trường học tập chỉ toàn bạn bè mới. Mình luôn mang cảm giác bị lạc lõng trong các cuộc trò chuyện với bạn bè vì mình chẳng biết nói gì hoặc sợ khi mình nói thì lại làm mất hứng mọi người.
Nhớ nhà
Vấn đề mình lo nhất là cảm giác nhớ nhà, nhớ người thân khi phải đến một đất nước mới, xung quanh toàn là người lạ. Mình không phải lúc nào cũng sẽ trầm tư về vấn đề mãi nhưng sau 1 ngày thì đêm về mình cứ suy nghĩ vu vơ nên có bao nhiêu cảm xúc dồn nén đều dâng hết vào đêm.
Sốc văn hoá
Chắc chắn một điều không thể tránh khỏi khi phải tiếp xúc với một nền văn hoá hoàn toàn khác xa với Việt Nam đó là “bị ngợp”. Bị ngợp bởi sự vội vã phải thích nghi, bị ngợp bởi sự quá đỗi khác biệt, bị ngợp bởi không thể hòa nhập. Đặc biệt đối với người hướng nội như mình sẽ khó bày tỏ hoặc chia sẻ với một ai đó về những khó khăn mình đang gặp phải thì sẽ có xu hướng mệt mỏi và chán nản. Điều này sẽ là vật cản lớn nhất khiến quá trình học tập bị trùng xuống.
Tuy nhiên, mình đã liều thử một lần và có trải nghiệm hoàn toàn khác xa với mình tưởng tượng bên trên.
Hè năm lớp 9, mình đã có dịp sang Singapore du lịch. Đây là lần đầu tiên một người hướng nội như mình được trải nghiệm cảm giác hòa nhập vào môi trường mới, đất nước mới. Quả thật, trong 1-2 ngày đầu mình đã gặp trở ngại trong giao tiếp, nhớ những món ăn Việt Nam hay là phạm lỗi về văn hóa (cách chào, cách tặng quà,...) nhưng mà dần về sau khi mình cố gắng hoà nhập, mở lòng mình ra và chủ động hơn thì mọi người xung quanh ai cũng giúp mình cả.
Thiệt tình là mình không thể nghe hết lời người bản địa nói nhưng một điều là họ không ngại phải lập lại hay giải thích nhiều lần để mình hiểu nên những lần hỏi đường sau mình cứ thoải mái lại bắt chuyện và nhận lại những hướng dẫn rất rất ư là nhiệt tình của những người bạn Ấn hay Malay. Còn về phần ăn uống, trước khi đi mình đã tìm hiểu Singapore là một đất nước đa văn hoá, nhưng mình không ngờ là nó ảnh hưởng luôn vào cả món ăn. Những lần đầu mình không quen ăn bỏ quá nhiều hương liệu, nhất là mùi cà ri, nhắc tới bây giờ mình vẫn còn nổi da gà . Thói quen ăn uống thì đâu thể đổi nhưng món ăn thì có thể đổi nên mình chỉ việc vào mấy foodcourt và lựa những món thanh đạm ăn thôi, chả sao cả!
Qua chuyến đi trải nghiệm đó, tuy không nhiều, nhưng mình sẽ rất rất rất hối hận nếu như không được một lần đến Singapore vào hè năm đó. Vì mình học được cách mở lòng hơn, biết tận dụng được những thứ mình học được để xoay xở các tình huống hơi éo le lúc đi tàu điện, và quan trọng hơn mình hiểu được bản thân mình hơn. Mình biết khả năng mình ở đâu và cần phát triển như thế nào không phải giới hạn trong tính cách hay suy nghĩ.
Hướng nội thì đã sao, mình suy nghĩ vấn đề đa chiều hơn. Tuy thích nghi không nhanh nhưng mình có thể viết lại những suy nghĩ và cảm xúc lúc đó như một cách để bày tỏ. Sau này đọc lại những trải nghiệm đó có thể là một phần động lực thúc đẩy mình vượt qua khó khăn hơn nữa.