Table Of Contents [hide]

    Nếu bạn đang trông chờ rằng bài viết này hay bất kì bài viết nào trên đời này có thể lập tức “a lê hấp” giúp bạn tìm được định hướng nghề nghiệp tương lai thì bạn đã hiểu sai cốt lõi của câu chuyện người tìm nghề hay nghề tìm người này. 

    Và đó chính là những gì bạn sẽ đọc được trong bài viết này, 

    Cốt lõi của câu chuyện người tìm nghề, câu chuyện định hướng nghề nghiệp

    Kì 1: Chuyện trái ngành

    Đã bao giờ bạn gặp một người đi làm trái ngành chưa? 

    Trái ngành: là nghề khi bạn đi bắt đầu đi làm trong tương lai chẳng liên quan gì sất đến lĩnh vực bạn định hướng nghề nghiệp cho bản thân khi học đại học. 

    định hướng nghề nghiệp

    Mình đã từng gặp rất nhiều những con người thú vị như vậy, mình xin phép liệt kê ra vài trường hợp: 

    • Chàng thạc sĩ bác sĩ năm cuối một ngày đẹp trời bỗng quyết định đi xăm từ cổ tới cổ chân rồi hằng đêm đi làm DJ ở Bùi Viện. Anh hạnh phúc với điều đó.
    • Một sinh viên ngành kiến trúc xuất sắc nhất đại học kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh lại đi làm nhiếp ảnh gia và hiện tại là giám đốc sáng tạo cho một tạp chí thời trang tại Việt Nam.
    • Một sinh viên ngành PR – Quan hệ công chúng và truyền thông thì lại chốt sổ tương lai mình với tư cách là một người mẫu toàn thời gian.
    • Sinh viên ngành luật thương mại quốc tế quyết định nghỉ học 1 năm đi làm Bartender và hiện tại bạn đang làm giáo viên mẫu giáo.
    • Một thạc sĩ ngành thiết kế đồ hoạ hiện tại đang hoạt động trong lĩnh vực PR kiếm sống bằng con chữ.
    • Và mình, một sinh viên năm cuối chuyên ngành kĩ thuật tự động hoá quyết định nghỉ học đi bán cà phê, làm nhiếp ảnh gia, làm bếp, dọn khách sạn, học quản lý, học kinh doanh rồi cuối cùng bẻ lái thành một người làm Digital Marketing.

    Còn hàng tá câu chuyện thú vị đến từ những con người thú vị khác nữa. 

    Bài học rút ra từ chuyện trái ngành:

    Nếu bạn vẫn giữ tư tưởng rằng ngày bạn đặt bút chọn ngành là ngày bạn đã định hướng nghề nghiệp cho bản thân và phải bắt đầu đi theo con đường đó đến tuổi về hưu thì bạn đã sai rồi

    Tư duy đó có thể đúng với 21 năm trước, nhưng không phải ở năm 2021.

    Một con số thông kê thú vị: Một người Úc trung bình có 16 công việc khác nhau trước khi về hưu.

    Tất cả những gì bạn học được ở bất kì ngành nghề nào cũng sẽ có thể giúp bạn ở những nơi khác với các ngành nghề khác. Kiến thức chắc chắn không tự sinh ra nhưng nó cũng chẳng bao giờ mất đi một cách lãng phí, nó chỉ chuyển từ hoàn cảnh này sang hoàn cảnh khác mà thôi.

    Một ví dụ nhỏ:

    định hướng nghề nghiệp

    Việc học ngành tự động hoá giúp mình hiểu được cách máy móc hoạt động như thế nào, cách nó tối ưu từng phần nghìn giây (nano-second) bằng cách sắp xếp quá trình di chuyển, thứ tự trước sau. 

    Nhưng khi không làm trong lĩnh vực kĩ sư nữa mình lại trở thành người làm nhanh nhất và hiệu quả nhất ở mọi nơi mình đến làm kể cả những ngày bệnh hoặc kiệt sức chỉ vì mình đã luyện tập cho bản thân tư duy quy trình làm việc hiệu quả và đều đặn như được lập trình.

    Để nói ít vĩ mô hơn, mình học được cách quản lý thời gian một cách tối ưu nhất cho cuộc sống du học tự túc toàn phần của mình với: 

    • 4 công việc (60 giờ)
    • 3 ngày đi học ở trường
    • 1 trang blog
    • Còn tham vọng thêm cả kênh Podcast nữa cơ

    Định hướng nghề nghiệp là câu chuyện muôn thuở với vô vàn câu hỏi trong đầu. Và câu trả lời cũng sẽ từ trong đầu bạn mà ra. 

    Hãy tin vào tiếng nói bên trong của mình, như một cách nói Gen Z hơn thì rằng: hãy cứ YOLO và cứ thử nghiệm đi, vì thực hành là cách tốt nhất để bạn thật sự hiểu mình muốn gì và mình là ai, giá trị mình có thể mang đến cho xã hội là gì. 

    Câu truyện là để truyền cảm hứng

    định hướng nghề nghiệp

    Mỗi người có mỗi hoàn cảnh khác nhau bao gồm gia đình, môi trường sống xung quanh từ làng xóm tới bạn bè, tính cách cá nhân như kiên trì hay thông minh, khả năng kinh tế từ nghèo đói tới dư giả, nhu cầu tương lai như ổn định hay phiêu lưu,…

    Bạn có thể đọc hàng nghìn câu truyện về cách người khác tìm thấy lĩnh vực họ yêu thích như:

                Anh A nhận ra mình có năng khiếu vẽ từ khi học mẫu giáo thế nên từ đó ba mẹ giúp định hướng anh theo con đường thiết kế thời trang.

                Chị B chọn đại ngành PR vì nghe có vẻ ngầu nhưng hoá ra khi vào học chị như cá gặp nước và cảm thấy may mắn khi đưa ra quyết định đúng.

                Cô C từng bỏ học giữa chừng rồi quyết định làm kinh doanh bằng cách live stream hằng ngày trên Facebook, giờ đây cô có vài căn hộ cao cấp ở thành phố và con cô đều đi du học.

                Bác D học đến năm 3 đại học thì thấy chán nản ngành học vì không phù hợp nên dành ra 1 năm nghỉ học đi phiêu lưu tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi “mình là ai” để rồi nhận ra mình là một blogger về du lịch 

                Vâng vâng và vâng vâng câu chuyện định hướng nghề nghiệp để rồi tìm ra lối đi riêng.

    Và cảm hứng là để sáng tạo

    định hướng nghề nghiệp

    Bạn có thể đọc những câu truyện này để được truyền cảm hứng, để thấy được những khả năng có thể xảy ra với tương lai là vô tận, Dr.Strange chỉ nhìn thấy được 47 nghìn kết quả cho tương lai nhưng bạn chắc chắn có thể mở ra được 48 nghìn kết quả cho định hướng nghệ nghiệp của mình.

    Nhưng đừng lấy những câu truyện đó làm điểm tựa để sao chép vào cuộc sống của mình, vì khả năng cao sẽ thất bại trong việc định hướng nghề nghiệp cho bản thân nếu bạn cố sao chép cuộc sống của người khác.

    Bạn có thể sao chép được lộ trình của họ, nhưng còn tính cách của họ thì sao? Thế còn tư duy của họ thế nào? Và cả những điều kiện về hỗ trợ tinh thần từ gia đình, hỗ trợ tài chính từ người thân, cơm áo gạo tiền họ có phải lo không? Đó là những thứ bạn không thể nào biết và sao chép được. 

    Đó là lý do bạn sẽ không đạt được những kết quả họ đạt được. Câu truyện là để truyền cảm hứng, không phải để sao chép.

    "Người nhỏ làm việc nhỏ"

    Hãy tận dụng những nguồn cảm hứng đó, hãy thật sự nghĩ về những thế mạnh của bản thân mình, những lợi thế và hạn chế của môi trường sống xung quanh mình, đừng nguỵ biện và lừa dối bản thân. 

    Và bạn sẽ sớm sáng tạo được một lối đi riêng cho mình. 

    Bắt đầu từ những việc nhỏ, cứ chọn một ngành mình cảm thấy rạo rực khi nghĩ đến, và chọn đại.

    Chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến, nhưng hãy luôn chuẩn bị bản thân cho những thay đổi đó để khi thời cơ đến, bạn sẽ chộp lấy nó mà không còn đắn đo.

    Bạn tìm định hướng nghề nghiệp cho tương lai đi du học? Hãy tham khảo những bài viết dưới đây

    Du học tự túc là gì? Chia sẻ trải nghiệm về du học tự túc ở Úc

    Phương tiện đi lại ở Úc, nên dùng phương tiện công cộng hay sở hữu xe hơi?

    Kinh nghiệm thực tập ở Úc - 7 điều cần biết để xin thực tập khi du học Úc

    Hồ Hải Thành
    Hồ Hải Thành
    (Chưa có thông tin mô tả)