Table Of Contents [hide]

    Khi ôn thi đại học, nhiều người nghĩ rằng chỉ cần thi xong, vào được trường mình muốn thì coi như bỏ được một phần gánh nặng. Như người lớn nói thì cuộc sống lúc ấy ít nhiều cũng sẽ thoải mái hơn. Thế nhưng, khi bước chân vào đại học, các bạn sinh viên lại phải đắn đo một vấn đề mới mang tên thực tập. Việc thực tập, chọn một nơi để có thể vừa học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, lại vừa đủ tốt để có thể làm đẹp CV bản thân là chuyện không dễ phải không? Và, có nên đi thực tập sớm hay không cũng là một vấn đề khiến nhiều người khó đưa ra sự lựa chọn.

    "Năm nhất, năm 2 đi thực tập thì có chỗ nào nhận không nhỉ?"

    "Làm sao mình có thể cân bằng thời gian khi vừa đi học vừa thực tập?"

    "Mình mới học đại học, chưa đủ kiến thức chuyên ngành, làm sao để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng?” 

    Với mình, sau khi xác định được ngành nghề mình sẽ theo học trong 4 năm đại học, mình đã đi lượn khắp các group để tìm hiểu ngành học và những kiến thức cần có cho công việc. Nhờ đó, mình hiểu rằng việc chỉ học kiến thức ở trường là chưa đủ, mình cần phải trau dồi thêm những kiến thức thực tiễn và kinh nghiệm làm việc thực tế. Vì vậy, mình lựa chọn thực tập sớm để vừa trau dồi kỹ năng, vừa có thêm nhiều cơ hội hơn trong tương lai. Dưới đây là một số điều mình nghĩ có thể giúp đỡ mọi người trong việc cân nhắc có nên đi thực tập sớm hay không, cùng mình khám phá nha!

     

    I/ Những lợi ích của việc thực tập sớm 

     

    Xây dựng CV chất lượng

    Đối với những nhà tuyển dụng, một ứng viên tiềm năng không nhất thiết phải học giỏi hay có thành tích học tập thật xuất sắc. Họ mong muốn tuyển dụng một sinh viên có kinh nghiệm làm việc thực tế hơn. Giống như Google hay Amazon, khi phỏng vấn thường thiên về các câu hỏi xử lý tình huống hơn là những câu hỏi mang tính chất lý thuyết, học thuật. Việc có một công việc thực tập từ sớm không những thể hiện rằng bạn có năng lực mà còn chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người luôn chủ động tìm kiếm cơ hội để phát triển bản thân. Vì vậy, nếu có thể, mọi người hãy đi thực tập từ sớm để tích lũy nhiều kinh nghiệm làm đẹp thêm cho CV của mình nha!

    Cải thiện hồ sơ cho công việc tương lai

     

    Học tập kiến thức thực tiễn và trang bị kỹ năng mềm

    Như Bác Hồ từng nói: “Học phải đi đôi với hành”, việc học kiến thức cơ bản ở trường đại học là chưa đủ để bạn có thể tiến hành công việc một cách suông sẻ. Lý thuyết bao giờ cũng có một khoảng cách nhất định so với thực tế. Vì vậy, công việc thực tập sẽ là nơi dạy bạn những sự khác biệt đó qua những lần thử, sai và rút kinh nghiệm, từ đó cải thiện năng lực bản thân. Hơn nữa, trong quá trình làm việc nhóm, bạn còn cải thiện được những kỹ năng như giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm hay cách đối nhân xử thế,... Thực tập sớm hơn đồng nghĩa với việc bạn có nhiều thời gian tiếp xúc thực tế hơn và biết được mình cần học thêm những gì để phát triển kỹ năng giúp ích cho công việc trong tương lai.

     

    Tăng thêm thu nhập

    Hiện nay, hầu hết các công ty đều hỗ trợ sinh viên một khoản trợ cấp tùy thuộc vào năng lực làm việc của mỗi người. Tuy nhiên, mức lương các bạn nhận được thường không cao do các bạn vẫn còn đang đi học và không thể làm việc full-time. Khi đi thực tập, mình nghĩ mọi người cũng không đặt nặng việc mình nhận được mức lương bao nhiêu đâu vì mục đích chính của các bạn là học hỏi và trải nghiệm thực tế. Vậy thì sao các bạn không coi những khoản lương đầu đời của mình như món quà của sự chăm chỉ và lấy đó làm động lực để cố gắng hơn ????

    Những khoản thu nhập nho nhỏ từ công việc thực tập

     

    Dễ thích nghi với công việc 

    Một người đã có kinh nghiệm làm việc chắc chắn sẽ làm tốt hơn newbie phải không nào! Khi đã có kinh nghiệm thực tập, các bạn sẽ dễ thích nghi với công việc sau khi tốt nghiệp. Bạn sẽ biết được mình nên làm gì, xoay sở với deadline ra sao và áp dụng những kiến thức học được từ kỳ thực tập vào công việc một cách phù hợp, đem lại hiệu quả cao hơn. Thêm nữa, đi thực tập còn rèn luyện cho bạn tính kỉ luật và làm việc theo khuôn khổ, điều này sẽ giúp bạn bớt ngợp khi bắt đầu công việc mới.

     

    II/ Những khó khăn bạn sẽ phải đối mặt khi đi thực tập sớm

     

    Không sắp xếp được thời gian giữa công việc và học tập

    Nếu như các bạn cùng trang lứa chỉ phải dành thời gian cho việc học, rồi thỉnh thoảng còn đi chơi hay tham gia các hoạt động ngoại khóa thì những bạn sinh viên đi thực tập sớm có quỹ thời gian eo hẹp hơn rất nhiều. Việc đảm đương cùng lúc nhiều công việc đôi khi sẽ khiến các bạn bị áp lực, nhất là vào những kì thi cuối kỳ, bạn không thể bỏ bê công việc thực tập lại vừa không dành được nhiều thời gian ôn thi để đạt được kết quả cao. Nhưng “không có áp lực sẽ không có kim cương”, chính nhờ những thử thách đó mà bạn dần trưởng thành, đương đầu với deadline tốt hơn, học được cách quản lý thời gian và lên kế hoạch phân chia công việc một cách hợp lý. Nếu suy xét kỹ thì những khó khăn đó vẫn đáng để thử, phải không? 

    Áp lực với những deadline chồng chất

     

    Thiếu kiến thức

    Khi đi thực tập, nhiều bạn sẽ bị hoang mang vì công việc cần quá nhiều kiến thức nhưng hiểu biết của bản thân lại chưa đủ. Một số bạn sẽ cảm thấy chán nản và muốn từ bỏ, số khác thì lại coi đó như một cơ hội để thử thách bản thân. Các bạn sẽ phải chủ động "đi tìm" kiến thức từ các anh chị đi trước qua việc hỏi và lắng nghe. Ngoài ra, tham gia các khóa học, workshop chia sẻ hay đọc thêm sách chuyên ngành cũng là những cách hay để bổ sung những kiến thức mình còn thiếu một cách hiệu quả.

     

    --------------------------------------------------------------------

    Mỗi sự lựa chọn đều mở ra một hướng đi khác nhau. Nếu không thử, bạn sẽ không biết bản thân có phù hợp với điều đó hay không, việc đi thực tập sớm cũng vậy. Bài viết của mình chỉ mang tính chất tham khảo để các bạn quyết định việc đi thực tập từ sớm một cách dễ dàng hơn, còn nên hay không là phụ thuộc ở mọi người.  Dù sao thì mình cũng chúc các bạn sớm tìm được hướng đi trong những năm tháng đại học và có được công việc thực tập thành công nha ????

    Lê Thị Kim Chi
    Lê Thị Kim Chi
    (Chưa có thông tin mô tả)