Table Of Contents [hide]

    Du học tự túc 100% là hình thức du học các bạn trẻ muốn trải nghiệm văn hoá phương Tây thông qua việc đi làm ở nước du học để tự chi trả cho tiền sinh hoạt phí cũng như tiền học cho chính mình mà không phải nhờ đến gia đình gửi tiền từ Việt Nam sang. 

    Vào những năm gần đây, khi mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ, tin tức và đời sống của mọi người trên toàn thế giới được thu nhỏ vào chiếc điện thoại bỏ túi. Do đó, cuộc sống của các bạn trẻ chọn du học tự túc toàn phần để du học xứ người ngày càng được biết đến rộng rãi hơn.

    Với nhiều bạn trẻ, du học là một loại ước mơ xa xỉ mà chỉ có những gia đình giàu có mới có thể chi trả được. Nhưng với du học tự túc 100%, chỉ cần vài trăm triệu trong tài khoản bạn đã có thể thực hiện ước mơ này. 

    Các “mức độ” của du học tự túc: 

    1. Du học tự túc tiền ăn uống, sinh hoạt (20%)

    Chi phí ăn uống và sinh hoạt cơ bản ở Úc sẽ dao động ở mức $1500 – 2000 AUD.

    Mức giá này có thể bao gồm những chi phí như ăn uống, di chuyển bằng phương tiện công cộng, tiền điện thoại, và mua sắm những vật dụng thiết yếu như xà bông hay kem đánh răng,… 

    Với “mức độ” tự túc 1 này, bạn có thể sẽ ở nhà người quen ở Úc nên sẽ không phải tự trả tiền thuê nhà.

    2. Du học tự túc phí sinh hoạt cơ bản + tiền thuê nhà (50%)

    Thuê phòng ở Úc giá rẻ sẽ rơi vào mức từ $100-130/tuần tương đương với khoảng $400-500/tháng. Cộng kèm với những chi phí sinh hoạt cơ bản bạn sẽ phải chi tối thiểu từ $2500/tháng. 

    3. Mức độ trùm cuối: du học tự túc tất tần tật (100%)

    Tiền học ở phương Tây là một chuyện, nhưng tiền học ở phương Tây dành cho du học sinh lại là một chuyện khác vì nó thường cao gấp 3 lần mức học phí của dân bản xứ. 

    Hầu hết các trường sẽ không cho phép du học sinh đăng ký gói trả góp tiền học phí theo tháng hay tuần mà phải trả trước toàn bộ số tiền. Do đó, ở mức độ này đòi hỏi các bạn phải có một số tiền tích cóp khá lớn để có thêm thời gian tích luỹ tiền cho học kì sau. 

    Sau đây, Wiki Abroad có vinh dự phỏng vấn 2 bạn trẻ tài năng đã sang Úc và du học tự túc từ những ngày đầu tiên. Hãy gặp Tâm và Lâm.

    Tâm và Lâm là ai? 

    Tâm và Lâm là 2 bạn trẻ thông minh, tài giỏi và có ý chí phấn đấu khổng lồ mà mình có cơ duyên làm quen qua những buổi chụp hình giao lưu ở thành phố Brisbane bang Queensland nước Úc.

    Tâm 19 tuổi hiện đang học ngành quản trị nhà hàng khách sạn ở đại học Griffith. 

    du-hoc-tu-tuc-o-uc
    Mình và Tâm đi ngắm bình minh ở đồi Mount Coot-Tha 2021
    • Tâm được sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả nhưng quyết định không dựa vào gia đình mà tự đi làm để chi trả cho bản thân như tiền thuê nhà, ăn uống và cả những món đồ thời trang hàng hiệu khi đi du học Úc.

    Lâm 23 tuổi hiện đang học ngành nấu ăn thương mại ở trường cao đẳng TAFE QLD 

    du-hoc-tu-tuc-o-uc
    Mình chụp hình Lâm lần đầu ở trường đại học QUT
    • Lâm có niềm yêu thích với ẩm thực đặc biệt là ẩm thực phương Tây, Lâm hiện đang là đầu bếp và quản lý của một nhà hàng Việt Nam ở Brisbane với kinh nghiệm làm việc dày dặn trong ngành hospitality, Lâm hiện đang là du học sinh du học tự túc ở mức độ trùm cuối của trùm cuối khi có dư tiền tiết kiệm để sắm cho bản thân sẵn một chiếc mái ấm cao cấp ở Việt Nam.

    Mỗi khi trò chuyện với 2 bạn, mình luôn cảm thấy được truyền cảm hứng hơn, được khai sáng hơn và có nhiều nếp nhăn hơn bởi những câu chuyện phấn đấu phi thường thường ngày của 2 bạn. 

    Buổi trò chuyện cùng Tâm và Lâm diễn ra vào một buổi tối trời mưa đá lộp độp se lạnh ở Brisbane: 

    1. Bạn đã sang Úc được bao lâu rồi, và bạn đã du học tự túc từ khi nào? 

    Tâm:

    du-hoc-tu-tuc
    Tâm diện áo dài dịp Tết Nguyên Đán 2021

    Em sang Úc khoảng được gần 1 năm rưỡi, em bắt đầu tự túc từ khi em qua đây được 6 tháng, đến nay, em đã tự túc được 1 năm rồi. 

    Công việc đầu tiên của em là vào tháng 4/2020 ở một tiệm bánh mì có chị chủ là người Việt Nam nhưng sinh ra ở Úc vào thời điểm dịch COVID-19 đang lan rộng ở Úc.

    Thời điểm đấy tiền lương của em chỉ đủ để đóng tiền nhà, gia đình vẫn phải chu cấp thêm cho em rất nhiều vì cả thói quen thích sắm đồ hiệu của em khi đấy nữa.

    Sau 3 tháng, em kiếm được một công việc khác với mức lương cao hơn nhờ vào kinh nghiệm tích luỹ được, với mức lương mới này em đã có thể tự chi trả được cho những hoạt động giải trí của mình rồi, nhưng tiền học thì gia đình em vẫn phải hỗ trợ em. 

    Lâm:

    du-hoc-tu-tuc
    Lâm năm 22 tuổi

    Mình sang Úc từ năm 2012 để học cấp 3. Sau 2 học kì đầu thì mình thấy có một tiệm Fish n Chip đăng báo tuyển nhân viên, thế là mình dấn thân vào luôn. 

    Theo thời khoá biểu của mình khi đấy, mình học xong vào lúc 2h30 chiều, sau đó mình đi làm khoảng 4 tiếng buổi tối, có tuần làm hẳn 7 ngày một tuần luôn. 

    Sau 2 tháng đầu tiên, mình đã có thể tự túc được toàn bộ tiền nhà và sinh hoạt phí ở Úc, còn tiền học phí thì chỉ lo được khoảng 1/3 đến một nửa thôi, còn thiếu bao nhiều thì xin thêm gia đình.

    Nhưng chỉ sau 2 học kì sau đó, mình đã tự túc hoàn toàn tất tần tật mọi thứ từ 15 tuổi đến tận bây giờ. 

    2. Thu nhập của bạn ở mức bao nhiêu một tuần và bạn tự chi trả cho bản thân ở mức độ nào? 

    Tâm: 

    Thật ra vì có tiền sử về vấn đề tâm lý, kì nghỉ dịch và nghỉ hè dài tận 4 tháng mà em không thể bay về nước, vì quá buồn chán ở nhà, nên em nhân cơ hội nộp hồ sơ kiếm việc làm cho đỡ chán. 

    Em chưa từng phải làm việc một ngày nào trong đời, đó là lần đầu tiên em đi quét nhà, đổ rác, lau nhà, lần đầu tiên biết học về chữ “nhẫn”. 

    Đến tháng 2/2021, em đã có thể hoàn toàn tự lo được mọi chi phí từ ăn ở, nhà cửa và cả giải trí. Hơn nữa, em còn được nhận học bổng 20% từ trường đại học nên giảm được rất nhiều gánh nặng cho gia đình. 

    Sau 1 năm đi làm, mức thu nhập của em tăng lên gấp 3 lần, hiện tại em kiếm được kha khá mỗi tháng từ nhiều công việc khác nhau. 

    du-hoc-tu-tuc

    Bản thân em rất thích về bánh ngọt, nên em chọn làm ở bakery (lò bánh mì bao gồm cả bánh mặn và bánh ngọt) mặc dù em làm ở vị trí front house chứ không tham gia trực tiếp vào quá trình làm bánh nhiều.

    Em thấy có nhiều bạn du học sinh khác thường hay đi làm những công việc nặng nhọc hơn như phục vụ, bưng bê, nhưng em thì không có khả năng cũng như đam mê làm những việc đó. 

    Nhưng nhờ làm ở bakery, em học được nhiều điều thú vị về văn hoá Úc ví dụ như vào dịp ngày lễ của mẹ, họ mua rất nhiều bánh sừng trâu (croissant). 

    Lâm:

    du-hoc-tu-tuc

    Gần 15 năm sống ở Việt Nam mình sống như một công chúa vậy đó! Mình chẳng phải làm gì hết không nấu ăn không làm việc nhà gì hết cả. Vậy mà sau khi sang đây chẳng biết vì cơ duyên hay động lực gì mà mình lại có khả năng đi làm nhiều đến vậy. 

    Vào thời điểm 15-16 tuổi, đỉnh điểm một tuần mình kiếm được khoảng $770, khi đấy mình phải làm việc với mức lương ít ỏi là $10/giờ.

    3. Để có được mức thu nhập đó, bạn phải đi làm bao nhiêu giờ một tuần? 

    Tâm:

    Ngày trước thì em làm cực kì nhiều, em đi làm và đi học từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối hằng ngày, chỉ có mỗi thứ 6 là ngày nghỉ duy nhất của em. Thời gian sinh hoạt học tập làm việc của em lên đến cả trăm giờ một tuần. 

    du-hoc-tu-tuc

    Hiện tại, tuy đã có nhiều công việc khác cho em thu nhập cao hơn rất nhiều lại còn không phải lao động chân tay, nhưng em vẫn duy trì làm việc 1 ngày/tuần ở tiệm bakery chỉ vì em yêu thích nơi đó với những con người ở đó. 

    Tuy thời gian biểu của em hiện tại khá là linh hoạt và đỡ vất vả hơn trước, nhưng em vẫn làm việc rất nhiều để trang trải, cùng với 2 giờ mỗi ngày ở phòng gym. Thế nên ai muốn gặp em thì phải đặt lịch trước ít nhất tận 1 tuần cơ. 

    Lâm:

    du-hoc-tu-tuc

    Sau 9 năm đi làm, mình đã giảm thời gian làm xuống còn khoảng hai phần ba so với khi đấy thôi, ít hơn khi trẻ rất nhiều nhưng mức lương của mình cao hơn khoảng 2.5 lần khi đấy. 

    Hiện tại mình đang làm cho một nhà hàng Việt Nam gần nhà phần lớn thời gian. Ngoài ra mình cũng đi rải CV để kiếm được một công việc khác làm thêm cho vui, tích luỹ kinh nghiệm, khuây khoả đầu óc ra khỏi không gian bếp núc và làm dày CV của mình nữa. 

    4. Sau khi đã thanh toán hết các hoá đơn, bạn có dư ra được khoảng tiền nào cho bản thân không? 

    “Theo anh biết hiện tại em đang thuê một căn hộ khá đắt đỏ ở gần trung tâm thành phố, cùng với sở thích sắm đồ hiệu vài tháng một lần của em, thì em có dư ra được khoảng tiền tiết kiệm nào nữa không?” câu hỏi tới Tâm. 

    Tâm:

    Em dư được cũng kha khá số tiền em kiếm được, khoảng một phần tư số tiền em kiếm được sẽ đi vào tài khoản tiết kiệm của em. 

    Em không phải là một người giỏi nấu nướng cũng như thích nấu nướng. Nên em thường xuyên mua đồ ăn bên ngoài nên việc ăn uống tốn của em khoảng tầm $500 mỗi tháng

    Trung bình, từ 2 đến 3 tháng em sẽ đủ tiền để mua một món đồ em yêu thích, nhưng sau một thời gian khi em chán nó hoặc món đồ đấy không còn phù hợp với em nữa thì em sẽ mang đi bán lại. 

    Lâm:

    du-hoc-tu-tuc

    Nhờ có khả năng cày cuốc toàn bộ thời gian mình có thể, nên sau 6 tháng đầu tiên đi làm mình đã có thể tự chi trả hết được mọi thứ cho bản thân rồi. Sau nhiều năm đi làm cũng tích cóp được chút ít trong sổ tiết kiệm. 

    Thêm cả tính cách tiết kiệm của mình, ít tiêu xài gì cho bản thân, nên với mức thu nhập cũng như tiêu xài hiện tại, mình để dành được đều đặn 40-45% thu nhập vào tài khoản tiết kiệm mỗi tuần. 

    5. Với số lượng thời gian làm việc như vậy, bạn có đủ thời gian để học tập một cách hiệu quả không? 

    Tâm:

    du-hoc-tu-tuc

    Thật ra thì em không cho rằng bản thân mình là một người học tập hiệu quả, nhưng em chưa bao giờ bỏ qua một buổi học nào cũng như chưa từng rớt môn. Em luôn chăm chú nghe giáo viên giảng bài và cố gắng học luôn khi còn ở lớp. 

    Nhưng em có một thói quen rất xấu là phải chờ đến “deadline” mới bắt đầu làm, nên đôi khi cũng hơi khó khăn với lịch làm dày đặc như vậy. 

    Nhưng vì với tính chất ngành học là hospitality, nên những công việc của em như là nơi để em được thật sự áp dụng những lý thuyết thô học được ở trường lớp ngay lập tức. 

    Ví dụ như cách giao tiếp hiệu quả giữa nhân viên và khách hàng, giữa quản lý và nhân viên, …

     Lâm: 

    du-hoc-tu-tuc

    Thời gian đầu khi mới đi làm, mình chỉ nhắm đến mục đích là học vừa đủ để bản thân thoải mái mà thôi, mình cũng chưa bao giờ bị rớt môn nên mình nghĩ là số lượng thời gian làm việc như vậy không làm ảnh hưởng đến việc học của mình nhiều. 

    Sau này khi chuẩn bị học về nấu ăn thương mại, mình cũng chỉ chọn học cao đẳng tại TAFE nên chương trình học cũng khá nhàn. 

    Cộng với những kinh nghiệm mình mài dũa được qua 9 năm làm việc nên việc học không có gì quá khó khăn với mình. 

    6. Những khó khăn gì nên cân nhắc khi bạn chọn con đường nhiều gai này? Và nếu được chọn lại bạn có tiếp tục không? 

    Tâm:

    du-hoc-tu-tuc

    Những ngày đầu, khó khăn của em một phần là ngôn ngữ giao tiếp, nhưng vì bản tính em tự nhiên và cũng khá tự tin, nên em không ngại mắc phải sai lầm và học hỏi từ những lỗi giao tiếp cơ bản đó.

    Nhưng may mắn thay, chị chủ khi ấy của em là người gốc Việt sinh ra tại Úc nhưng chị nói được tiếng Việt khá tốt. Nên, cùng với tính ham học hỏi, trong quá trình làm việc em học hỏi được rất nhiều từ chị cũng như từ khách hàng do em làm ở vị trí front house. 

    Đã từng có rất nhiều đêm em về phòng và tự ôm mình mà khóc, mặc dù nếu chẳng may em thất bại hay muốn buông bỏ, thì sau lưng em vẫn có gia đình hỗ trợ cũng như bạn bè xung quanh, nhưng vì cá tính độc lập nên em ít khi mở lời chia sẻ với ai mà cứ ôm trọn hết vào lòng.

    Em sống rất thiên về cảm xúc, nên đó là một trong những khó khăn lớn nhất của em khi chưa thể học được cách mở lời nhiều hơn. 

    Nếu như được chọn lại, em sẽ nói rằng em chưa bao giờ hối hận vì quyết định đi du học của mình, em hiện tại 19 tuổi đã một phần đạt được những ước mơ mà khi 15 tuổi em từng mơ đến.

    Lâm: 

    Đầu tiên thì mình muốn đính chính với mọi người là mình không hoàn toàn ủng hộ việc du học tự túc 100%. 

    Mình cảm thấy đó là một quá trình cực kì gian khổ khi phải tự mình gồng gánh tất cả mọi thứ mà không có trước sự chuẩn bị nào, và gia đình các bạn nếu có hỗ trợ được phần nào đó thì nên hỗ trợ, đừng để các bạn phải đi làm 50-60 giờ một tuần sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ không mong muốn. 

    du-hoc-tu-tuc

    Việc học hành sẽ khó có thể đạt hiệu quả cao, sức mạnh tinh thần và thể xác hầu như lúc nào cũng sẽ mệt mỏi, không có thời gian ra ngoài giao lưu với bạn bè, cuộc sống tuổi trẻ sẽ bị lấp đầy bởi gánh nặng tiền học. 

    Các bạn chỉ nên đi du học khi các bạn có thể có một chỗ dựa về tài chính nếu cần thiết, vì dù sao mục đích của việc đi du học vẫn là đi học và giao lưu văn hoá chứ không phải đi xuất khẩu lao động. 

    Nếu được chọn lại con đường này, sau ngần đấy năm ở Úc trải qua quá nhiều chuyện, thì cảm xúc của mình cho câu hỏi này là có mà cũng là không. 

    Có là có cho những kinh nghiệm mình học được, những sự hỗ trợ gia đình mà mình làm được trong thời gian qua. 

    Nhưng trong hành trình đó mình cũng có nhiều cảm xúc mà mình phải dùng từ “kinh khủng” để miêu tả, những năm 15 tuổi ra đời đi làm lần đầu ở một nơi xa lạ có nhiều sự ấm ức mà chỉ biết khóc thôi chứ không làm được gì, áp lực tiền học cận kề nhưng vẫn còn thiếu $5-6000, và còn nhiều nhiều điều khác nữa. 

    7. Bạn đã bao giờ rơi vào giai đoạn chán nản muốn buông bỏ mọi thứ về lại Việt Nam chưa? Nếu có thì bạn đã vượt qua như thế nào? 

    Tâm: 

    du-hoc-tu-tuc

    Khi ở Việt Nam, em chỉ cần muốn gì là có nấy, em có thể về Việt Nam bất cứ lúc nào em muốn gặp bố mẹ em và hỏi bất cứ thứ gì em muốn, nhưng quá trình học tập và làm việc ở đây đã giúp em trưởng thành hơn rất nhiều. 

    Đã có rất nhiêu đêm khi mọi chuyện tồi tệ ập đến với em cùng một lúc, nhưng sau đó, em nhìn lại quá khứ của mình, bị bắt nạt suốt những năm trung học nhưng chẳng ai hay biết, cho đến khi đậu 5 trường đại học top quốc gia nhưng em vẫn quyết định muốn du học thì chuyện mới vỡ lẻ ra. 

    Những đêm em khóc một mình, em luôn tự nhìn lại bản thân mình năm 15 tuổi, bản thân em năm đó đã ước em được là chính em ngày hôm nay, và em không hối hận bất kì một điều gì khác! Vì dẫu có đôi chút khó khăn, nhưng chỉ cần nhìn vào mục tiêu thì em sẽ có thêm động lực để phấn đấu.

    Lâm:

    du-hoc-tu-tuc

    Có một lần vào năm 2018, mình cảm thấy quá mệt mỏi về thể xác lẫn tinh thần, mình cảm thấy tương lai khá là bấp bênh không có định hướng rõ ràng. Thế là mình sắm ngay một chiếc vé máy bay.

    Mình về Việt Nam 3 tháng và làm việc để giải trí khuây khoả đầu óc rồi sau đó quay lại đây để tiếp tục cuộc hành trình vì mình nghĩ rằng, mình đã vượt qua được một quãng đường quá dài và chông gai rồi, đích cũng gần chạm được tới, vậy thì ngại gì mà không gắng thêm tí nữa? 

    8. Bạn có lời khuyên nào dành cho những người trẻ khác có ý định du học tự túc trong tương lai không? 

    Tâm gửi đến các bạn trẻ: 

    “Các em hiện tại không có gì ngoài tuổi trẻ của mình, và các em sẽ không bao giờ quay đầu lại được, và nếu biết rằng sẽ không quay đầu lại được thì con đường duy nhất đó là tiếp tục đi lên và làm những gì các em muốn. Hãy luôn cho bản thân một cơ hội, chỉ cần phải luôn có một mục tiêu để hướng đến.”

    Lâm gửi đến các bạn trẻ: 

    “Du học tự túc 100% thì nghe oai ớ, nhưng mà nó sẽ là một hành trình đầy đau khổ, đầy nước mắt và khủng hoảng tâm lý. Các bạn đã sẵn sàng cho điều đó chưa?” 

    Lời kết

    Quá trình du học tự túc toàn phần dù ở bất kì quốc gia nào chưa bao giờ là dễ dàng vì bạn phải dành rất nhiều thời gian để đi làm cũng như đi học, đồng thời phải kiểm soát bản thân để không bị cám dỗ theo tiếng gọi của đồng tiền.

    Có rất nhiều bạn trẻ một khi đã đi làm ở nước ngoài, với mức thu nhập gấp 20 lần hoặc hơn khi ở Việt Nam, các bạn chỉ muốn làm thêm giờ và thêm nhiều hơn nữa để có tiền để dành hoặc mua sắm. Và đương nhiên, hậu quả là các bạn không còn chú trọng việc học nữa. 

    Cũng như sự cám dỗ ở các sòng bạc Casino hay những ván game nho nhỏ với bạn bè, sự cám dỗ này rất mờ mịt và phảng phất, nhưng bạn có thể sẽ bị lún quá sâu trước khi kịp nhận ra. Hãy chuẩn bị tâm lý và luôn nhớ mục đích cuối cùng mà bạn muốn hướng đến. 

    Hãy chơi trò chơi dài hạn và tự tạo ra luật chơi cho bản thân, đừng chơi trò chơi ngắn hạn và phải cắn rứt tuân theo luật chơi của những người chủ tồi để rồi không còn đường quay lại.

    Hi vọng qua bài phỏng vấn ngắn này bạn sẽ có cái nhìn thực tế hơn về du học tự túc toàn phần, nếu bạn vẫn có thêm câu hỏi, hãy nhắn tin qua Instagram @thanhho.ho mình sẽ giải đáp tất tần tật mọi thứ từ kinh nghiệm thực tế của bản thân nhé! 

    Tìm hiểu thêm về Úc:

    Học nghề tại Úc, du học tiếng anh ngắn hạn ở Úc với trường TAFE

    Kinh nghiệm thực tập ở Úc – Các công ty marketing dễ xin thực tập khi du học Úc

    Những điều cần biết khi học lái xe ở Úc – Chi phí, cách thức, thời gian và những lưu ý

    Hồ Hải Thành
    Hồ Hải Thành
    (Chưa có thông tin mô tả)