Table Of Contents [hide]

    Khi đi du học, việc học luôn luôn là ưu tiên đối với các bạn du học sinh. Bên cạnh đó, đi làm thêm cũng là một trải nghiệm mà phần lớn các bạn đi du học đều muốn thử. Đi làm thêm không những giúp các bạn trang trải chi phí sinh hoạt mà còn hỗ trợ phát triển tối ưu các kỹ năng mềm. Đối với chi phí sinh hoạt khá đắt đỏ tại Úc, tìm việc làm thêm luôn là điều đắn đo đối với các bạn du học sinh mới bước chân qua. Chắc hẳn các bạn đều lo lắng không biết có xin được việc không khi mình chưa có kinh nghiệm đúng không? Trong đầu luôn ngập tràn những câu hỏi: Có nên đi làm thêm không? Làm thế nào để xin được việc làm thêm? Nên xin những công việc như thế nào? Nên sắp xếp thời gian vừa đi học vừa đi làm như thế nào? Hãy cùng SLC đưa ra những bước cực kì đơn giản giúp bạn tìm việc làm thêm tại Úc một cách dễ dàng hơn nha!

    Bước 1: Tìm hiểu và xác định các loại công việc tại Úc

    Đối với các bạn đi tìm việc làm thêm tại Úc, có rất nhiều công việc khác nhau mà các bạn có thể chọn để làm. Cụ thể hơn, có 2 loại hình công việc chính: 

    Các loại công việc cho thu nhập nhiều hơn kinh nghiệm như các công việc chân tay (bồi bàn, làm farm, làm nail,...). Đối với những công việc này, nếu đi làm cho chủ người Việt, phần lớn bạn sẽ được trả lương bằng tiền mặt và không phải khai thuế, hơn thế nữa, bạn không cần phải lo về giới hạn giờ làm.  

    Các công việc làm thêm tại Úc 
    Làm phục vụ và pha cà phê là một trong số những công việc phổ biến dành cho du học sinh. Nguồn: Prosfa

    Các loại công việc cho kinh nghiệm nhiều hơn thu nhập chủ yếu là những công việc dùng nhiều chất xám hơn, đòi hỏi bạn sử dụng các kỹ năng mềm, phần mềm máy tính, quản lý giấy tờ. Hầu hết những công việc như thế này sẽ chỉ cho bạn giới hạn giờ làm tới 40 tiếng trong 2 tuần và bạn sẽ phải khai thuế, đóng thuế cho nước Úc. Hãy tìm hiểu thêm về quy định đóng thuế tại đây nhé!

    Một trong những việc làm thêm tại Úc: làm văn phòng 
    Những công việc văn phòng có thể giúp mở mang kiến thức về nhiều lĩnh vực khác nhau.

    Trước khi đi xin việc, bạn nên xác định xem mình phù hợp với công việc như thế nào, khả năng hiện tại của mình ra sao và thời gian làm việc có phù hợp với lịch vừa học vừa làm của bạn hay không. 

    Đối với những bạn mới qua Úc và vẫn cảm thấy chưa tự tin với khả năng giao tiếp của mình hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm làm những công việc tương tự, bạn có thể cân nhắc xin vào những nhà hàng hoặc quán ăn nhanh hoặc làm công việc ở các nông trại mà có chủ là người Việt. Thậm chí, cũng có rất nhiều nơi tuyển người không cần kinh nghiệm, miễn là thời gian biểu của bạn phù hợp với ca làm họ đang cần và bạn phải là người nhanh nhẹn, tiếp thu nhanh. 

    Còn nếu bạn cảm thấy tự tin về khả năng tiếng Anh của mình và muốn phát triển thêm kỹ năng liên quan tới ngành nghề mình đang theo học, bạn có thể xin vào làm tại một bộ phận trong một công ty hoặc thậm chí tại trường đại học của bạn. 

    Một lưu ý là đừng quên tìm hiểu kỹ về quyền lợi làm việc tại Úc để tránh những trường hợp bị bóc lột hoặc trả lương không đúng luật nha!

    Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ xin việc

    CV xin việc ở Việt Nam khác với CV xin việc ở Úc như thế nào? Lời khuyên đầu tiên dành cho bạn: hãy cân nhắc kỹ khi đưa hình của mình vào trong CV để tránh trường hợp phân biệt chủng tộc khi chấm hồ sơ. Luôn luôn đưa số điện thoại liên lạc, địa chỉ và thời gian có thể làm việc vào CV để người tuyển bạn có thể xem xét thời gian bạn dành ra để đi làm có đáp ứng đủ với thời gian họ cần hay không. 

    Muốn làm đẹp hồ sơ của bạn, hãy ghi nhớ những lưu ý sau đây...

    Khi xin những công việc chân tay: 

    • Hồ sơ nên làm ngắn gọn trong 1 trang 
    • Đừng quên đề cập tới kinh nghiệm làm ở những chỗ khác (nếu có) 
    • Hãy làm nổi bật các kỹ năng liên quan tới công việc bạn đang tìm kiếm (nếu chưa có kinh nghiệm)

    Đối với những công việc chủ yếu dùng đầu óc: Hồ sơ của bạn có thể được tóm gọn từ 1 tới 2 trang 

    • Đề cập về những kinh nghiệm mà bạn đã có (hoạt động ngoại khóa, tình nguyện, hoặc những công việc văn phòng bạn đã làm) 
    • Hãy đưa vào CV những công việc cụ thể mà bạn đã làm trong quá trình tham gia các hoạt động hoặc làm ở các công ty khác 
    • Bạn nên nộp kèm thêm thư xin việc, còn được gọi là cover letter (không quá 1 trang) để nói lên mục đích và mục tiêu của bạn khi xin công việc này.

    Bước 3: Nộp hồ sơ

    Vậy là đã xong bước làm đẹp CV, cùng chuẩn bị tinh thần nộp hồ sơ nào!!! 

    Bạn có thể tìm kiếm việc làm và nộp hồ sơ qua rất nhiều kênh khác nhau như: 

    • Tìm qua các website tìm kiếm việc làm như gumtree, indeed, seek.com, careerone,... 
    • Tìm trên các facebook group hội sinh viên, hội người Việt nơi thành phố bạn sinh sống 
    • Nhờ bạn bè, người thân, thầy cô giới thiệu 
    • Đến trực tiếp các công ty, nhà hàng đó và đưa CV tới tận tay người chủ hoặc quản lý 
    • Tìm qua trang facebook và facebook group của Student Life Care 

    Bước 4: Phỏng vấn

    Cuối cùng cũng đã nộp xong hồ sơ và chúc mừng bạn đã được gọi đi phỏng vấn!!! 

    Khi đi phỏng vấn xin việc, đối với công việc chân tay, hãy khiêm tốn 1 chút và luôn thể hiện mình là người nhanh nhẹn, chăm chỉ. Nhiều nơi sẽ yêu cầu bạn tới thử việc thay vì phỏng vấn, khi đó bạn phải luôn sẵn sàng học hỏi thêm, nếu không biết hãy hỏi, nếu rảnh tay hay giúp những người xung quanh hoặc hỏi chủ xem bạn nên làm gì tiếp theo. Còn với công việc đòi hỏi kinh nghiệm, hãy luôn thể hiện sự tự tin, nói chuyện lưu loát, biết điểm yếu điểm mạnh của mình, và đừng quên nghiên cứu qua về công ty và về vị trí bạn xin vào để có thể tự tin hơn khi trả lời phỏng vấn.

    Phỏng vấn xin việc làm thêm tại Úc 
    Người tuyển dụng sẽ hình thành những ấn tượng nhất định về bạn thông qua CV và buổi phỏng vấn này.

    Về cách ăn mặc khi đi phỏng vấn, các bạn hãy tránh ăn mặc quá lòe loẹt vì điều đó sẽ không những gây sự chú ý mà còn có thể gây phản cảm và ấn tượng xấu từ nhà tuyển dụng. Hãy chọn bộ đồ thật thoải mái và lịch sự, tránh những bộ đồ quá ngắn.

    Bước 5: Đi làm

    Chúc mừng bạn đã xin được việc làm thêm tại Úc! Ôi bao ngày tìm việc và make up xinh xắn cho hồ sơ cuối cùng cũng được đền đáp! 

    Tuần đầu đi làm chính thức, hãy hình thành thói quen đến sớm, chào hỏi các đồng nghiệp của mình, dần dần xây dựng các mối quan hệ mới. Với những công việc chân tay, bạn hãy luôn thể hiện sự chăm chỉ, cẩn thận và nhanh nhẹn, hạn chế mắc lỗi hoặc làm sai ảnh hưởng tới những người khác. Khi đi làm tại môi trường công sở, hãy cố gắng chủ động trong công việc, tích cực đóng góp ý kiến, không ngần ngại phản biện ý kiến của người khác thì bạn chắc chắn sẽ gây ấn tượng tốt với sếp của mình (biết đâu lại được tăng lương sớm :D)   

    Hãy cùng tham khảo những trải nghiệm thú vị khi đi làm thêm tại Úc từ bạn Vũ Hồng Hải, sinh viên trường Đại học Công Nghệ Queensland nha! 

    Mặc dù đi làm thêm cũng có cái hay của nó nhưng các bạn hãy cố gắng cân bằng giữa việc học và việc làm, giữ sức khỏe để có thể có năng lượng học và làm một cách hiệu quả nhất nhé!  

    Hailey Tran
    Hailey Tran
    (Chưa có thông tin mô tả)