Khi chuẩn bị cho hành trình du học, chắc chắn có rất rất nhiều thứ cần phải lo. Trong đó, việc làm sao để hoà nhập tốt hơn với cuộc sống nơi xứ người chắc hẳn cũng là một trong những điều nhiều bạn du học sinh như mình mong muốn đạt được.
Để đạt được điều đó, chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau là một việc rất hữu dụng và thiết thực mà theo mình là hỗ trợ du học sinh rất nhiều trong quá trình hoà nhập. Với kinh nghiệm góp nhặt được của một du học sinh tại xử sở chuột túi đã được ba năm, mình muốn chia sẻ với các bạn về những loại thẻ mà mình nghĩ các bạn cần và nên có khi đi du học tại Úc. Cùng vào tìm hiểu luôn nhé!
1. Thẻ học sinh/ sinh viên
Tác dụng căn bản
Có thể nói, đây là loại thẻ hiển nhiên bất cứ du học sinh nào cũng phải có khi “đi du học”. Nói cách khác, thẻ học sinh/sinh viên này như là minh chứng cho việc tại sao chúng ta có mặt trên nước Úc này và với danh nghĩa gì. Hơn nữa, đối với những bạn có exam cuối kì thuộc dạng phải vào trường thi, bạn phải có nhiệm vụ trình thẻ học sinh/sinh viên của mình trên bàn thi cho tất cả các buổi thi bạn tham dự. Quên thẻ học sinh/sinh viên khi đi thi sẽ khiến bạn gặp rắc rối rất lớn đấy!
Ngoài ra, ở phạm vi trường học, thẻ học sinh/sinh viên còn được sử dụng như thẻ scan khi in ấn, fax, photocopy trong thư viện trường bằng cách nạp tiền vào thẻ. Nhờ có thông tin mã số học sinh/sinh viên trên thẻ, chúng ta dễ dàng sử dụng máy tính của trường để kết nối với các thiết bị cần thiết để phục vụ cho việc in hay photo tài liệu học tập.
Công dụng khác của thẻ học sinh/sinh viên
Không chỉ dừng lại ở tác dụng cơ bản đó, thẻ học sinh/sinh viên còn cho chúng ta những “quyền lực” vô cùng đáng giá khác. Theo trải nghiệm của bản thân mình, đa số những cửa hàng hay một chương trình nào đó được tổ chức bởi các tổ chức liên quan đến giáo dục đều có những ưu đãi dành riêng cho học sinh/sinh viên. Thậm chí vào những dịp lễ hay sự kiện đặc biệt trong năm, học sinh/sinh viên còn nhận được nhiều ưu đãi xịn sò hơn rất nhiều.
Vì thế, sở hữu thẻ học sinh/sinh viên, bạn sẽ được giảm giá hoặc nhận những ưu đãi chỉ dành riêng cho học sinh/sinh viên. Các cửa hàng có thể bao gồm nhưng không giới hạn các hình thức như là shop quần áo, đồ gia dụng, tiệm cà phê/trà sữa, tiệm sách hay vé vào cổng của những sự kiện cụ thể. Do đó, luôn đem theo thẻ học sinh/sinh viên để có thể phát huy tác dụng của nó bất cứ lúc nào bạn nhé!
Cần lưu ý
Tuy nhiên, có một điều các bạn nên lưu ý rằng, do thẻ học sinh/sinh viên không có ngày tháng năm sinh trên đấy, vì vậy bạn không có quyền dùng thẻ này cho việc mua thức uống có cồn như rượu bia hay dùng để kiểm chứng bạn trên 18 tuổi để được phép vào các thể loại bar, pub. Trong hai trường hợp trên, chúng ta cần dùng passport thay thế.
2. Thẻ ngân hàng
Sau thẻ học sinh/sinh viên, thẻ ngân hàng chính là thẻ cực kì quan trọng mà du học sinh cần có. Ở Úc, việc xài thẻ khi mua bán khá phổ biến. Người Úc sử dụng thẻ nhiều hơn tiền mặt (cash) trong cuộc sống hằng ngày. Do đó, tạo một cái thẻ ngân hàng sẽ giúp bạn không còn đau đầu về việc túi bị chật, nặng do chứa tiền mặt hay tiền xu (coin). Thêm vào đó, thanh toán bằng thẻ khi mua hàng vừa nhanh lại vừa rất tiện lợi. Bạn sẽ không cần lo lắng về việc thối tiền dư hay thiếu, tiền mới tiền cũ, nhét tiền vào đâu…mà chỉ cần ‘tap’ trong một nốt nhạc, việc thanh toán đã hoàn thành.
Đặc biệt, tại Úc, có một số shop tạp phẩm châu Á (Asian Groceries Store) hoặc quán ăn nhỏ thường chỉ chấp nhận trả thẻ đối với những hoá đơn từ AUD10 trở lên. Nếu mua dưới mức đó nhưng lại trả bằng thẻ, có thể bạn sẽ bị phụ thu khoảng 1-2% tính trên tổng tiền bạn mua, nên đôi khi cũng khá phiền phức. Vì thế, bên cạnh việc sử dụng thẻ ngân hàng, bạn cũng nên thủ sẵn 5, 10 đô tiền mặt cho những trường hợp như trên nhé.
3. Thẻ phương tiện công cộng
Thẻ này sẽ có những tên gọi khác nhau tuỳ vào bạn đi du học tại bang nào. Hay nói cách khác, các bang khác nhau có hệ thống giao thông, phương tiện công cộng quản lý bới những công ty khác nhau. Ví dụ nếu bạn đi du học tại thành phố Melbourne bang Victoria, thẻ phương tiện công cộng tại đây sẽ được gọi là Myki. Tương tự, ở thành phố Sydney bang New South Wales sẽ là thẻ Opal hay ở thành phố Adelaide bang South Australia là thẻ Metro.
Tên hay hệ thống quản lý khác nhau là vậy, tuy nhiên các thẻ phương tiện công cộng này đều có chung một công dụng là giúp bạn lưu thông trong khu vực xác định bằng xe lửa (trains), xe điện (trams) hay xe buýt (buses). Sau khi nạp tiền vào thẻ, bạn sẽ có thể lên bất kì phương tiện công cộng nào kể trên để đi đến nơi bạn cần bằng cách tap thẻ lên thiết bị quét thẻ có sẵn trên tram và bus hoặc ở cổng ra vào (đối với train). Hành động này được gọi là touch on (tap thẻ khi lên phương tiện công cộng)/touch off (tap thẻ khi rời phương tiện công cộng).
Tuy nhiên, đối với tram, khi di chuyển trong khu vực CBD (trung tâm thành phố) hoặc một số khu vực quy định cụ thể, nếu đó là vùng Free Tram Zone, bạn sẽ dược sử dụng tram tự do mà không cần tap để trả phí.
4. Thẻ thư viện bang
Nếu là một người thích đọc sách thì đây là loại thẻ bạn không nên bỏ qua. Thẻ thư viện bang được tạo dễ dàng online và được giao tận nhà miễn phí khi bạn order. Những quyền lợi khi bạn là hội viên của thư viện bang:
- Truy cập E-resources của thư viện mọi lúc, mọi nơi
- Tiếp cận được những di sản mang tính chất lịch sử
- Đặt mua sản phẩm của thư viện
- Giữ chỗ (Book) máy tính để sử dụng
- Sử dụng dịch vụ In ấn và Photocopy ở thư viện
Quá là thú vị và hữu ích đó chứ nhỉ!
5. Thẻ siêu thị
Ở Úc, có hai hệ thống siêu thị lớn mà chắc hẳn du học sinh nào cũng từng mua hàng ở đây, đó là Coles và Woolworths. Tương ứng với từng siêu thị mà chúng ta có những thẻ thành viên (loyalty card) với tên gọi khác nhau. Coles có Flybuys card và Woolworths có Everyday Rewards card.
Những thẻ thành viên thân thiết cung cấp bởi siêu thị này giúp bạn tích điểm cho mỗi lần mua hàng và điểm này có thể được quy đổi thành tiền khi đạt được số lượng đủ lớn tuỳ theo quy định của từng hệ thống. Hơn nữa, việc tích điểm vào những thẻ này còn có khả năng được chuyển thành điểm tích luỹ cho những thương hiệu khác (partners) có hợp tác với siêu thị mà có thể phù hợp với nhu cầu khách hàng hơn như hãng xăng hay hãng hàng không.
Ví dụ, khi tích đủ 2000 điểm (points) trong thẻ Everyday Rewards của siêu thị Woolworths (tương ứng với AUD200 tiền bạn bỏ ra mua hàng tại Woolworths), bạn có quyền lựa chọn được giảm AUD10 cho lần mua hàng kế tiếp hoặc chuyển nó thành 1000 Qantas Points. Sống tự lập một mình thì chắc hẳn du học sinh sẽ phải đi siêu thị sắm sửa rất nhiều. Do đó, lập membership card cũng là một điều không tồi!
6. Thẻ Perks
Những tín đồ mua sắm chắc ăn phải làm cho mình một thẻ Perks khi đi du học tại Úc nha. Thẻ Perks này cũng là dạng rewards card nhưng thuộc mảng fashion, quần áo. Điều đặc biệt và tiện ích của thẻ này nằm ở câu slogan “7 Brands. 1 card. Loads of”. Điều này có nghĩa là bạn chỉ cần tạo một thẻ Perks để tích điểm khi mua hàng tại 7 brands khác nhau bao gồm: Cotton:on, Cotton:on Kids, Cotton:on Body, Factorie, rubi, Typo và Supré. Vì đồ nữ chiếm tỷ lệ nhiều hơn ở tất cả các brands nên có lẽ thẻ Perks sẽ được tạo phổ biến ở nữ giới.
7. Thẻ hiến máu
Về mảng công tác xã hội, tham gia hiến máu cũng là một cách để bạn giúp đỡ cộng đồng tại Úc cực kì ý nghĩa. Vì vậy, nếu có ý định hiến máu định kì, bạn nên đăng ký tạo thẻ thành viên với trung tâm hiến máu mà mình tham gia (mình tham gia ở Blood Donor Centre) để nhận được nhiều tiện ích hơn ở các lần hiến máu tiếp theo.
Khi có thẻ (với Tên họ, Donor ID, thông tin nhóm máu trên đó), ở lần hiến máu kế tiếp, bạn chỉ cần xuất trình thẻ cho nhân viên trung tâm scan và mọi thông tin sẽ chi tiết sẽ được hiển thị trên hệ thống để họ dễ theo dõi và làm việc hơn. Do đó, tiết kiệm được thời gian công sức cho đôi bên.
Ngoài ra, một số trung tâm hiến máu còn có liên kết với các tổ chức giáo dục để giúp xác nhận hoạt động ngoại khoá của sinh viên. Việc này giúp ích rất nhiều cho việc làm đẹp thêm hồ sơ của du học sinh như chúng mình khi đi du học. Nếu bạn nào thích những hoạt động tình nguyện như thế này và không ngại hiến máu, các bạn có thể tìm hiểu thêm để nắm bắt cơ hội nhé.
8. Thẻ Working with Children check (WWCC)
Cuối cùng, tiếp nối với thẻ hiến máu ở mục trên, thẻ WWCC cũng là một trong những thẻ mình khuyên các bạn nên tạo để giúp quá trình tham gia các hoạt đồng tình nguyện dễ dàng hơn khi du học tại Úc. Một số những hoạt động sẽ đòi hỏi bạn cung cấp WWCC card number để đủ điều kiện tham gia. Quá trình đăng kí tạo WWCC phức tạp hơn các thẻ khác vì cần xác nhận nhiều thông tin cá nhân hơn. Tuy nhiên, tất cả đều có thể làm online nên bạn có thể đăng kí bất cứ lúc nào bạn muốn.
Và đó là top 8 những loại thẻ mà mình muốn chia sẻ với các bạn có ý định đi du học tại Úc. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn những kinh nghiệm bổ ích và sự chuẩn bị tốt hơn cho quá trình du học tại xứ sở chuột túi!
Có thể bạn cũng quan tâm:
7 điều làm mình bất ngờ khi du học Úc - https://wikiabroad.com/blog/post/7-dieu-lam-minh-bat-ngo-khi-di-du-hoc-o-uc
Cách set up LinkedIn profile chuẩn cho sinh viên - https://wikiabroad.com/blog/post/cach-set-up-linkedin-profile-chuan-cho-sinh-vien
Tổng quan thị trường việc làm Marketing tại Úc 2021- https://wikiabroad.com/blog/post/tong-quan-thi-truong-viec-lam-marketing-tai-uc-2021