Table Of Contents [hide]

    Đối với những bạn đang chuẩn bị du học không chỉ riêng Châu Âu mà khắp mọi nơi  chắc chắn trong đầu luôn có 1001 câu hỏi vì sao cùng những thắc mắc và trăn trở. Nào là về việc học tập, nơi sống và hơn cả là về việc shock văn hóa.

    Không biết văn hóa châu Âu có khó khăn và khắc nghiệt không? Không biết mình sống ở Việt Nam thì qua đó làm sao để hòa nhập và vui vẻ?

    Hãy cùng tìm hiểu những chia sẻ thú vị và cách vượt qua nỗi sợ “shock" văn hóa khi du học châu Âu nhé!

    1. Những khác biệt nổi bật giữa Châu Âu và Việt Nam 

    Văn hóa ứng xử: So với người Châu Á với xu hướng tôn trọng vai vế, địa vị xã hội và thường phụ thuộc lẫn nhau, cư dân Châu Âu luôn rất thoải mái trong giao tiếp cũng như bình đẳng trong việc đối xử với mọi người. Thêm vào đó, sự thông dụng của những cử chỉ giao tiếp thân mật như bắt tay, ôm hôn tại các nước Châu Âu cũng có thể khiến các bạn du học sinh cảm thấy lạ lẫm khi lần đầu đến nước bạn. Người Châu Âu khá nghiêm túc và xem trọng sự đúng giờ cũng như văn hóa xếp hàng, thế nên họ sẽ rất không vui nếu bạn mắc phải những lỗi liên quan như chen lấn hay trễ giờ.

    Phong cách sống: Không giống như văn hóa coi trọng cộng đồng như người Châu Á, người Châu Âu rất đề cao sự độc lập, cụ thể là việc họ luôn giáo dục con cái sống tự lập và có chính kiến riêng. Họ tôn trọng quyền công dân của mỗi người và luôn biết giữ khoảng cách với cuộc sống riêng tư của người khác. Bởi vậy, có lẽ các bạn du học sinh sẽ dễ cảm thấy tủi thân khi đã quen với việc thường xuyên được những người bên cạnh quan tâm, san sẻ. Ngoài ra, sinh viên tại các quốc gia châu Âu được tạo điều kiện xây dựng bài học và chủ động tương tác với giáo viên từ rất sớm, do đó họ thường tự tin hơn so với các bạn du học sinh, nhất là du học sinh Châu Á - những người đã quen với phương pháp học hầu như chỉ nghe giảng và ghi chép.

    Ngoại ngữ: Nếu không có sự chuẩn bị chu đáo thì ngoại ngữ là sự thay đổi lớn nhất mà bạn phải trải qua khi du học đến một đất nước mới. Để hành trình du học Châu Âu khởi đầu thuận lợi, bạn cần phải thông thạo ít nhất một ngoại ngữ là tiếng Anh. Đây là công cụ duy nhất giúp bạn có thể giao tiếp một cách nhanh chóng cũng như tiếp thu được bài giảng và dễ dàng hòa nhập với bạn bè quốc tế.

    Chênh lệch ngoại tệ: Nói đến những yếu tố khác biệt có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đối với các bạn du học sinh, không thể không nhắc đến việc chênh lệch ngoại tệ. Đặc biệt, tại các nước Châu Âu, tỷ giá chênh lệch so với tiền Việt Nam là không hề nhỏ. Ý thức được việc này, các du học sinh thường có thói quen quy đổi mệnh giá các món đồ sang tiền Việt và chi tiêu tiết kiệm hơn. Bởi, nếu vẫn giữ thói quen chi tiêu như khi còn ở Việt Nam sẽ sớm khiến các bạn “cạn túi”.

    Xem thêm: 4 LÝ DO CHỨNG TỎ DU HỌC CHÂU ÂU LÀ XU THẾ DU HỌC MỚI

    2. Các giai đoạn sốc văn hóa mà bạn sẽ trải qua

    Hào hứng: Ở giai đoạn này, bạn đang trong những tuần đầu tiên vừa đặt chân xuống đất nước mà mình hằng muốn đến. Vô vàn những điều thú vị và mới mẻ đang chờ bạn khám phá và học hỏi mỗi ngày từ thức ăn, thời tiết đến con người hay trường học.

    Khủng hoảng: Sau khi dần làm quen với những điều mới mẻ, bạn dần nhận ra có một điều khác với những gì bạn từng tưởng tượng, hoặc phát hiện ra những khác biệt không như ý muốn. Cùng với nỗi nhớ nhà bắt đầu nhen nhóm, đây được xem là giai đoạn sốc văn hóa nặng nề nhất. Nếu biết nỗ lực và chấp nhận đương đầu với thử thách trước mắt, bạn sẽ có thể vượt qua thời kỳ này và nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới. Ngược lại, nếu không biết kiên trì bám sát mục tiêu, bạn có thể sẽ dễ dàng bị nỗi nhớ gia đình, bạn bè chi phối, dẫn đến chán nản, muốn bỏ cuộc và quay về nước giữa chừng.

    Chấp nhận: Vượt qua được giai đoạn khủng hoảng, bạn sẽ dần làm quen được với môi trường mới, sẽ hình thành được thói quen mới để thích nghi với cuộc sống mới với tâm lý tích cực hơn.

    Hòa nhập: Đây là giai đoạn cuối cùng, cũng là cột mốc đánh dấu việc bạn đã chiến thắng nỗi ám ảnh mang tên “sốc văn hóa.” Giai đoạn này thường bắt đầu sau khoảng 1 năm kể từ khi bạn bắt đầu du học. Lúc này, bạn cảm thấy thoải mái hơn với cuộc sống tại môi trường hiện tại và hầu như không còn phải đối mặt sự bỡ ngỡ hay hụt hẫng nào nữa.

    3. Cách vượt qua cú sốc văn hóa khi du học Châu Âu

    Từ những tuần đầu tiên, bạn đừng vì quá bận rộn lo toan những thứ như mua sắm, chuẩn bị chỗ ở, trường học,... mà bỏ lỡ những sự kiện dành cho tân sinh viên. Đây là buổi giao lưu quan trọng dành cho các bạn du học sinh mới, tạo điều kiện cho bạn có cơ hội làm quen với những người đi trước để học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu về đất nước mà bạn đến, đồng thời cũng giúp bạn mau chóng hòa nhập với cuộc sống nơi đây.

    Hãy chuẩn bị những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống tự lập như quản lý chi tiêu, quản lý thời gian, nấu ăn hay xử lý tình huống. Việc này sẽ khiến cho bạn thêm phần tự tin khi bắt đầu cuộc sống mới cũng như giúp bạn tránh khỏi những phiền phức không đáng có.

    Ngoại ngữ cũng là một yếu tố bạn cần phải đảm bảo trước khi lên đường đến đất nước mới. Đừng ngại rằng tiếng Anh của mình không chuẩn mà tự cô lập bản thân với bạn bè quốc tế, biết đâu đôi khi sự khác biệt đó lại trở thành một điểm đặc biệt trong mắt họ?

    Dù có mệt mỏi và khó khăn đến đâu cũng đừng bao giờ quên mất mục tiêu trước mắt, luôn ghi nhớ lý do vì sao bạn có mặt ở đất nước này.

    Luôn giữ liên lạc với bạn bè và gia đình. Trong giai đoạn khó khăn lúc ban đầu, việc chia sẻ, tâm sự với những người thân như bạn bè và gia đình là vô cùng quan trọng. Đây vừa là cầu nối giúp bạn duy trì các mối quan hệ từ phương xa, vừa là một cách hiệu quả giúp bạn phần nào vơi đi cảm giác cô đơn khi ở nơi đất khách.

    Liệu những thông tin trên đã đủ để thu hút các du học sinh yêu thích Châu Âu chưa? Liên hệ đội ngũ của Student Life Care hoặc WikiAbroad để được tư vấn thêm nhé!

    Trần Ngọc Vân
    Trần Ngọc Vân
    (Chưa có thông tin mô tả)