Câu chuyện định hướng nghề nghiệp và làm trái ngành sau khi “bút sa gà chết” đầy nhan nhản ở khắp mọi nơi, từ ngoài xã hội, từ bạn bè xung quanh, từ ngay trong chính gia đình.
Nhưng khi nhắc đến bốn từ “định hướng nghề nghiệp”, các bạn học sinh cấp 3 thường chẳng thấy gì ngoài mờ mù tịt, có bạn hoảng sợ, có bạn chọn đại, có bạn lại biết rõ rằng mình muốn gì, nhưng cũng có bạn nghĩ rằng mình biết rõ mình muốn gì rồi sau đó lại vỡ mộng.
Thế thì định hướng nghề nghiệp có đáng sợ đến thế không?
Chọn đại rồi học lại là chuỗi câu chuyện về những con người rất đỗi bình thường sống xung quanh bạn hằng ngày, học những ngành nghề như người bình thường và có những quyết định rất đỗi đời thường – đỏ thì thôi đen quên đi, liều ăn nhiều, kèo này nắm chắc phần thắng,…
Họ đều là những người đã từng đứng giữa hàng trăm ngã rẽ nghề nghiệp; họ chọn một; người chọn đúng, người chọn sai, người chọn lại, người đi đến cùng.
Tuần này, mình trò chuyện cùng với Nguyễn Tiến Khánh Duy.
Duy là một cậu bạn sinh năm 98, một GenZ đích thực, cậu từng chọn ngành Công Nghệ Thông Tin tại đại học công nghệ Hutech, theo học được 1 năm thì nghỉ học dần và sau 2 năm thì dứt hẳn.
Hiện tại, Duy đang là sinh viên năm 2 chuyên ngành Luật Dân Sự ở Đại học Kinh Tế - Luật (Đại học Quốc Gia Tp.HCM) sau 2 lần thi lại, 3 lần nộp hồ sơ và học trễ 4 năm so với các bạn bè đồng lứa.
Mời bạn đi vào hành trình tìm kiếm bản thân của Duy;
Từ đây trở xuống, mình xin phép tường thuật lại lời của Duy dưới dạng lời văn nhé
Chàng Công Nghệ Thông Tin yêu Sử
Lý do vì sao năm đó Duy lại chọn Công Nghệ Thông Tin?
Ngành Công Nghệ Thông Tin thì là trends từ đó tới giờ rồi, mình thì khi đấy thấy bản thân giỏi về máy tính, dù chỉ là phần cứng thôi, thì mình nghĩ rằng nó cũng liên quan đến phần mềm tí xíu, sau khi đi học rồi thì mới biết ngành này đòi hỏi môn Toán khá nhiều, mà mình thì lơ là môn toán hồi năm 12 cho nên lúc vào học thì hơi bị hụt hơi.
Cơ duyên nào đã làm Duy nhận ra đã đến lúc mình nên chọn lại?
“Cơ duyên” lớn nhất với mình thì thật ra là do môi trường học làm mình cảm thấy quá chán nản.
- Trường chật chội
- Thang máy thì phải xếp hàng dài
- Các bạn xung quanh trong lớp cũng lười học
- Mình không hứng thú với ngành học
- Vào học chẳng hiểu gì sất
Nhiều khi có những hôm chạy xe tới trường thấy bảng hết chỗ gửi xe phải đi gửi ở một chỗ khác xa hơn rồi đi bộ qua thì mình chạy thẳng qua tiệm Net luôn chứ chẳng buồn học làm gì nữa.
Mình học ở Hutech mang tiếng là 3 năm, nhưng thật ra chỉ có 2 năm đầu là đi học tử tế thôi, trong 2 năm đấy thì năm nhất vẫn siêng năng học hành chưa rớt môn nào, đến năm 2 thì bắt đầu rớt môn.
Hẳn mấy bạn đều nhớ chuyện trường Hutech rớt một mảng tường to từ tầng 5 rồi rơi xuống trúng đầu 1 bạn sinh viên, thì tối hôm đó mình đi học môn Kỹ Thuật Lập Trình. Sau khi rớt môn đấy thì mình dứt luôn.
Đến năm 3 thì mình mang tiếng là còn trong danh sách điểm danh thôi chứ mình toàn nghỉ học để đi ôn thi.
Thời điểm mình quyết định chọn học lại là khi đang chơi game và nghe giảng bài trên YouTube về môn văn thì mình thấy cuốn hút quá nên tắt game luôn.
Lúc đấy mình vẫn chưa biết chuyên ngành mình thích thật sự là gì, mình chỉ biết là Luật thôi, nhưng nỗi băn khoăn của mình khi đấy là nên vừa ôn thi, vừa đi học ở Hutech, vừa đi làm để kiếm tiền học thì khả năng cao là chẳng làm tốt được cả 3.
Thế là Hutech bị ra rìa, mình dứt hẳn luôn để tập trung đi làm và đi ôn thi thì mới có đủ thời gian và kinh phí để đóng tiền học.
“Tư vấn viên” hồi đấy của mình là một bạn streamer, bạn đấy khi trước cũng học lại nên mình hỏi han tâm sự, thì hoá ra là khi đấy bạn ấy có học bổng toàn phần nên mới quyết định học lại từ đầu.
Mình tự hỏi bản thân, liệu mình có khả năng làm việc đó hay không? Từ cấp 3 đến bây giờ mình vẫn cảm thấy bản thân khá giỏi ở mảng xã hội mà cụ thể là lịch sử, vậy mà bây giờ lại dành thời gian rảnh rỗi ra để ngồi ngoài tiệm Net, phí phạm quá.
Xong, mình mới thoát game để tìm thử xem môn sử nằm trong khối thi nào, thì nó là khối C.
Mình lại tìm những ngành nào trường nào nhận xét tuyển khối C – Văn Sử Địa.
Sau một hồi tìm kiếm thì mình thấy có mỗi ngành Luật là phù hợp nhất với mình chứ chẳng còn ngành nào khác mình có hứng thú. Mình không có vấn đề với môn Sử và Địa, nhưng Văn là một câu chyện khác.
Ngay lúc đấy, mình lập tức mở YouTube nghe giảng bài môn Văn, song, mình cũng chơi game trong lúc nghe giảng, nhưng chẳng thể tập trung được vì Văn nghe cuốn hút quá. Thế là mình tắt game luôn. Chỉ nghe giảng văn ở tiệm Net từ 6 giờ sáng mỗi ngày, cho đến vài ngày sau.
Được tầm vài ngày thì mình quyết định về lại trường cấp 3 gặp cô dạy Sử khi đấy để hỏi thông tin về những nơi dạy luyện thi môn Sử, Địa. Cô chỉ mình qua trường THPT Nguyễn Thượng Hiền.
Mình lập tức đi liền qua đấy ngay giữa trưa để đăng kí khoá học, đến tối hôm đó thì vào học ngày đầu luôn.
Vậy thì Duy xoay xở vấn đề kinh tế để đóng tiền học như thế nào?
Mình có đi làm cho gia đình từ hồi lớp 10 rồi, do cũng chẳng tiêu xài gì mà chỉ có đam mê chơi Net thôi nên mình cũng tích cóp được một khoảng kha khá.
Mình đi làm thiết lập bảng quảng cáo ngoài trời, cũng được đi tỉnh đi này đi nọ nhiều nơi nên cũng được trải nghiệm nhiều.
Chi phí ăn uống sinh hoạt thì mình vẫn ở nhà với ba mẹ, nên chỉ phải lo tiền học thêm thôi. Thu nhập của mình 5-7 triệu/tháng lúc đấy và chi phí học thêm chỉ rơi vào khoảng 1,8 triệu/tháng thôi. Nhưng vì phải giảm thời gian làm việc lại để tập trung học nên thu nhập cũng giảm nhiều.
Năm đầu tiên thi lại, điểm thi của mình cao hơn điểm chuẩn của mọi trường có ngành luật năm đấy, nhưng vì quy chế tuyển chọn không hợp lý chỉ ưu tiên những thí sinh của năm đó chứ không xét đến những thí sinh tự do nên mình rớt như sung rụng.
Trường thì chỉ xét học bạ, trường thì không xét thí sinh tự do, trường thì không còn chỗ, cuối cùng chỉ còn mỗi Đại Học Tôn Đức Thắng nhưng cơ sở Nha Trang.
Mình cũng đắn đo, gia đình mình cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý mình sẽ đi xa một thời gian nhưng rồi mình quyết định đã thi lại thì phải vào trường tốt nhất mình có thể, thế là mình bỏ luôn Tôn Đức Thắng, thi lại lần 2.
Ở lần thi lại thứ nhất, mình bắt đầu ôn thi ngay từ học kì 2, mà điểm thi vẫn cao hơn so với điểm sàn năm đấy của các trường, chỉ là do mình không nắm rõ quy chế tuyển sinh nên gặp không ít rắc rối.
Lần này, mình ôn thi ngay từ đầu năm, tìm hiểu rõ quy chế thi cũng như tuyển sinh để không lặp lại sai lầm cũ nữa. Và may mắn thay, lần này mình có một thằng bạn học lại cùng nên có động lực nhiều hơn hẳn.
Duy có thể kể thêm về người bạn này được không?
Bạn này khi đấy cũng học cùng lớp cấp 3 với mình, bạn học trường Đại học Kỹ Thuật Sư Phạm hệ CLC, thời điểm mà mình quyết định nghỉ học để thi lại thì bạn cũng nghỉ học luôn, nhưng bạn lại dùng học bạ để nộp vào trường Cao Đẳng Cao Thắng để học nghề điện-điện tử.
Bạn cũng chọn sai ngành, cũng chán nản việc phải đi học mỗi ngày, cũng có gan dứt áo ra đi nhưng vì điểm học bạ khá nên bạn có khả năng nộp thẳng vào trường khác.
Nhưng oái ăm thay, bạn chọn lần 2 vẫn không đúng ngành mình thật sự đam mê, để rồi phải nghỉ học thêm một lần nữa. Lần này thì thay vì đi học hay đi chơi tiệm Net thì nó đi chùa.
Bạn tham gia khoá tu mùa Hè của chùa Hoằng Pháp một thời gian để cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, chẳng biết trong đấy bạn tịnh tâm suy nghĩ thế nào, mà sau khi về bạn rủ rê mình đi học ôn thi cùng. Thế là 2 thằng ngày ngày đi học ôn chung với nhau thôi.
Điều gì đã làm Duy tự tin đưa ra quyết định bỏ ra thêm 1 năm nữa để ôn thi Đại học lần thứ 3?
Vì mình đã dành ra nhiều thời gian để hiểu bản thân mình, và mình biết mình dư khả năng để đậu vô những trường hàng đầu có ngành Luật của Tp.HCM.
Mình chẳng có một kế hoạch dự phòng nào hết, mình chỉ biết rằng mình sẽ không quay về Hutech, mình sẽ phải học một nghành gì đó, mình yêu Sử thích Luật và một ý chí mãnh liệt.
Dựa trên kinh nghiệm của năm thứ 2, mình nhận ra các bất lợi chống lại mình nếu mình tiếp tục thi khối C, sau một hồi tìm hiểu mình quyết định sẽ thi khối A1 vô cùng những ngành đó sẽ giúp mình có lợi thế nhiều hơn trong quy trình tuyển chọn.
Chuyện gì đến rồi cũng đến, mình với bạn nói trên xách cặp vở đi ôn Toán Lý Anh, kết quả là bạn mình đậu Đại học Nông Lâm như ước mơ, mình đậu Đại Học Quốc Gia Tp.HCM như ước mơ của mình.
Khi đã bắt đầu vào học ở trường mới, Duy có thấy được sự liên quan nào giữa những kiến thức về Công Nghệ Thông Tin với ngành Luật mà Duy đang học không?
Thật ra là có á, cái liên quan có thể áp dụng được nhiều nhất là cái tư duy.
Cái mà mình học được nhiều nhất ở ngành CNTT là tư duy từ cốt lõi của vấn đề, xây dựng mọi thứ từ lõi đi lên bằng ngôn ngữ lập trình.
Cộng với việc khi mình hiểu sâu hơn về ngôn ngữ lập trình, về CNTT, mình có thể làm tốt hơn trong những lớp liên quan đến an ninh mạng, về dữ liệu,…
Hiện tại mình chưa dám nói trước nó sẽ liên quan đến sau này đi làm ra sao, nhưng theo những gì mình biết thì những kiến thức về CNTT của mình trong tương lai sẽ giúp mình nhiều nhất trong việc định hình tư duy của mình khi tiếp cận một vấn đề nào đó.
Nếu đã biết rằng sẽ học trễ sau bạn bè 4 năm, một khoảng thời gian rất dài, lại còn phải thi lại 3 lần, thì Duy có hối hận khoảng thời gian đó không? Vì hiện tại bạn bè đều đã ra trường đi làm còn Duy thì chỉ mới bắt đầu học năm 2.
Không, mình không hối hận.
Chỉ cần đặt ra một câu hỏi đơn giản rằng “nếu cố đấm ăn xôi học CNTT đến hết 4 năm, thì ra trường mình làm gì” mình sẽ tỉnh táo ngay.
Mình có những bạn ở Hutech khi đấy bây giờ tốt nghiệp ra chẳng làm được gì, có những người thì bỏ ngang giữa chừng đi theo tiếng gọi của đồng tiền bằng những công việc bán sức hoặc bán thời gian.
Cái ngại lớn nhất của họ mình nghĩ là ngại thử, theo mình, để đưa ra những quyết định lớn như vậy người đó cần phải hiểu chính mình.
Hiểu khả năng mình thật sự tới đâu, những gì trong cuộc sống hằng ngày làm đồng tử mình giãn ra vì thích thú, hiểu tiềm năng của mình tới đâu,… và có cái gan để hi sinh một ít sự thoải mái ban đầu để bắt tay vào thực hiện, rồi cuối cùng được hưởng trái ngọt một cách hạnh phúc.
Với tiêu chí “chọn đại rồi học lại” thì Duy có lời khuyên gì cho những bạn đang băn khoăn với quyết định đổi đời của mình không?
Theo mình nghĩ, có 2 hướng giải quyết cho chuyện lỡ chọn ngành nhưng không đúng ý.
Cách thứ nhất cũng là cách an toàn nhất là mình khuyên các bạn nên cố gắng tìm niềm vui trong ngành học của mình, tự tìm tòi những cái cốt lõi của ngành, tìm những mảng ngách mà bạn cảm thấy thú vị trong ngành rộng mà bạn đang học.
Vì khi đấy, bạn sẽ hiểu được từ quan trọng nhất là từ “tại sao”, bạn hiểu được cốt lõi của mục đích việc học của bạn sau này sẽ làm gì ở ngoài xã hội, bạn sẽ đóng góp được những giá trị gì cho đời.
Một khi bạn tìm thấy niềm vui trong ngành của mình, như một lẽ tự nhiên, bạn sẽ thấy yêu ngành học của mình hơn do đó được truyền cảm hứng hơn để đến trường mỗi ngày, để về nhà tìm tòi, để tìm kiếm những bạn bè hoặc chuyên gia trong ngành để học hỏi thêm.
Cách thứ hai thì như cách mình làm, bạn dành thời gian ra để tìm hiểu bản thân mình, dành hẳn 1 năm 2 năm, nhưng khi bạn đã ra quyết định thì bạn phải theo nó tới cùng bằng mọi nỗ lực mà bạn có thể có.
Cuối cùng, hãy chọn nghề dựa trên những cảm nhận hằng ngày của bạn, đừng đặt tên cho một cái nghề, đừng vơ đại một ngành, thậm chí là đừng bắt đầu bằng một nhóm tổ hợp các môn thi như A, A1, C để chọn ngành.
Nếu bạn thích ngắm các toà nhà, bạn luôn bị hút mắt bởi những chi tiết cấu trúc của toà nhà, hãy thử tìm hiểu kiến trúc sư xem sao.
Còn nếu bạn yêu Sử, bạn thích lên mạng xã hội bàn chuyện chính trị, thích khuấy sâu vào những cuộc tranh luận về luật lệ thì khả năng cao bạn sẽ là một nhà hành pháp.
Lời kết
Để chọn một ngành nghề mà bạn nghĩ rằng bạn sẽ đi theo nó đến năm bạn 60 tuổi là rất khó, thậm chí còn khó hơn trong thời đại việc nhảy việc mỗi năm một lần không còn quá xa lạ.
Chọn một ngành mà bạn nghĩ là mình sẽ có hứng thú và đam mê để đến trường mỗi ngày trong 4 năm đại học dựa trên những cảm nhận hằng ngày của bạn về mọi thứ xung quanh như sở thích, thói quen, hành vi. Hãy theo dõi cảm nhận của bản thân bạn.
Nếu đã lỡ chọn một ngành nhưng nghĩ rằng mình không phù hợp thì hãy tìm một ngách nhỏ trong ngành của bạn mà bạn có hứng thú nhất, tìm niềm vui, tìm mục đích của ngành và hi vọng bạn sẽ có cảm hứng hơn khi đi học mỗi ngày.
Nếu may mắn thay bạn có điều kiện để học lại, hoặc thậm chí có điều kiện để đi du học thì hãy suy nghĩ thật kĩ đến những lợi ích và hậu quả để không phải hối hận dọc đường.
Úc là một đất nước rất tốt để bạn có thể tự chi trả cho sinh hoạt phí và học phí của chính mình, nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về du học Úc thì hãy tham khảo những bài viết dưới đây nhé.
Học nghề tại Úc, du học tiếng anh ngắn hạn ở Úc với trường TAFE
Kinh nghiệm thực tập ở Úc – Các công ty marketing dễ xin thực tập khi du học Úc
Du học tự túc là gì? Chia sẻ trải nghiệm về du học tự túc ở Úc
Ký túc xá của sinh viên nước ngoài có đáng tiền không? Kí túc xá ở Úc dành cho sinh viên