Đi chợ Việt bên Úc ở đâu? Đi chợ ở Úc sao cho rẻ? Tưởng chừng đơn giản nhưng việc “đi chợ” lại là mối lo lớn của du học sinh khi xa nhà. Hiểu được điều đó, WikiAbroad chia sẻ bài viết chỉ dài 7 phút, “khai sáng” cho bạn những kiểu đi chợ ở Úc cũng như những tips để tiết kiệm khi “grocery shopping” (mua thực phẩm).
1. Đi Siêu Thị “săn siêu thực phẩm”
Ngay tại mặt đường lớn cho đến bên trong các trạm xe tàu công cộng tại Úc, bạn đều có thể bắt gặp những siêu thị lớn. Vậy nên, đi siêu thị là cách tiện lợi, nhanh gọn nhất. Hàng hoá của siêu thị Úc thì đa dạng miễn bàn. Bạn có thể tha hồ sắm đồ ăn, thức uống, mỹ phẩm, đồ dùng gia dụng và thậm chí là thuốc, thực phẩm chức năng.
A. Coles, Woolworths (Woolies)
Được ví như “Coopmart, Vinmart tại Úc”, Coles và Woolworths là hai chuỗi siêu thị lớn nhất tại xứ sở chuột túi. Một điều đặc biệt khi đi chợ ở Úc là các siêu thị lớn luôn có chương trình giảm nửa giá hàng tuần (Weekly half-price specials). Đây là cơ hội các bạn du học sinh chúng ta nên tranh thủ. Những mặt hàng thường được thay phiên giảm giá gồm các loại trà, cà phê, bánh, kẹo, bột giặt, dầu gội, sữa tắm,... Các thực phẩm tươi (thịt, cá) cũng có trong danh sách nhưng bạn nên chú ý hạn sử dụng. Thường họ sẽ giảm giá những thực phẩm còn hạn trong một đến hai ngày thôi nhé.
B. Aldi, IGA
Aldi và IGA cũng là hai hãng siêu thị nổi tiếng. Trong khi Aldi được vinh danh là siêu thị rẻ nhất nước Úc, IGA lại có giá cả nhỉnh hơn chút trong “bộ tứ quyền lực” này. Tuy nhiên về sự đa dạng, cả Aldi và IGA đều bán ít mặt hàng hơn Coles và Woolworths.
2. Đi chợ Việt săn “hàng Việt Nam chất lượng cao”
Mặc dù trong các siêu thị lớn cũng bán đồ châu Á, đồ Việt Nam nhưng lại rất ít và đắt. Vậy lựa chọn nào khi thèm hương vị Việt? May mắn thay, với lực lượng người Việt ở Úc đông đảo, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy những khu chợ do chính người Việt buôn bán. Điều khiến mình thích đi chợ ở Úc là những người bán hàng cực kỳ nhiệt tình khi thấy du học sinh đồng hương chúng mình. Lúc thì mình được giảm giá, lúc lại được học bí quyết nấu ăn từ các cô chú trong chợ.
Một số cái tên quen thuộc đó là Cabramatta, Bankstown, Marrickville ở Sydney; Footscray, Springvale, Sunshine ở Melbourne; hay Inala ở Brisbane. Hy vọng không khí chợ Việt thân thương tại những nơi này sẽ giúp vơi đi nỗi nhớ nhà của các du học sinh.
3. Đi siêu thị châu Á “du ngoạn ẩm thực nước bạn”
Hiện nay, các siêu thị, cửa hàng châu Á cũng mọc lên như nấm. Đặc biệt là ở những thành phố lớn như Sydney hay Melbourne. Bạn có thể tìm mua các loại gia vị, nước chấm và quan trọng nhất là gạo ngon tại các cửa hàng này. Ngoài ra, những nguyên liệu như bánh tráng, bún khô, hủ tiếu, các loại bột cũng rất nhiều. Thế là tha hồ làm gỏi cuốn, bánh xèo, nấu chè vào những ngày cuối tuần rảnh rỗi rồi.
Vì các cửa hàng này đều bán đủ loại thực phẩm châu Á nói chung nên đôi khi đổi vị với ẩm thực “nước láng giềng” cũng rất thú vị. Kim chi, bánh gạo tokbokki Hàn Quốc, rong biển, trà matcha Nhật Bản, há cảo, bánh bao của Tàu là những món được nhiều du học sinh ưa chuộng vì “ngon-bổ-rẻ”.
Mách nhỏ cho những ai ở Melbourne này. Hôm nào muốn mở tiệc cuối tuần, bạn hãy ghé KT Mart tại 600 Elizabeth street nhé. Đây là địa chỉ bán rượu soju rẻ nhất Melbourne đấy!
4. Đi chợ trời “ủng hộ local brands”
Thêm một kiểu đi chợ ở Úc phổ biến đó là đến những phiên chợ trời hay chợ cuối tuần (Flea market). Đây là một phần văn hoá thú vị của người Tây nói chung và người Úc nói riêng. Như đúng cái tên, thường họ chỉ tụ họp mở bán vào những ngày thứ Sáu - Bảy - Chủ Nhật. Tại đây, bạn sẽ tìm được ti tỉ mặt hàng, từ thực phẩm, đồ ăn đến quần áo, đồ dùng gia đình, đồ cổ sưu tầm, đồ lưu niệm, các mặt hàng thủ công,...
Đa phần, các gian hàng đều của người địa phương nên những món bạn mua được cực kỳ “chuẩn Úc”. Ngoài ra, các mặt hàng nông sản tươi vừa mới thu hoạch cũng được bày bán rất nhiều ở những phiên chợ này.
5. Đi chợ ở Úc online
Vào những ngày lười biếng đi ra ngoài hay những hôm chạy deadline tối mặt, không có thời gian đi chợ, bạn cũng “không lo chết đói” vì có thể đi chợ online! Các siêu thị lớn tại Úc đều cung cấp dịch vụ giao hàng trong ngày (đặt hàng trước 11 giờ trưa). Ngay cả các cửa hàng bán đồ châu Á cũng đã có website chỉn chu để bạn đặt hàng.
Gần đây, các app giao đồ ăn như DoorDash hay Uber cũng hợp tác với các hãng siêu thị, cửa hàng tạp hoá để cung cấp dịch vụ. Chưa bao giờ việc đi chợ lại trở nên dễ dàng đến vậy.
Kết
Dù không “chuẩn cơm nhà”, nhưng tự đi chợ nấu ăn là một cách tiết kiệm thông minh khi đi du học Úc. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn du học sinh “bỏ túi” thêm kinh nghiệm khi đi chợ ở Úc. Đừng quên chia sẻ bài viết hữu ích này đến bạn bè, người thân của bạn nữa nhé!