Table Of Contents [hide]

    Làm việc nhóm là cụm từ không quá xa lạ với các bạn học sinh, sinh viên. Thậm chí, khi bạn đã rời chiếc ghế nhà trường và bước vào thương trường, làm việc nhóm luôn được liệt kê là một trong những kỹ năng thiết yếu và được yêu cầu rất nhiều từ các nhà tuyển dụng. Thế nhưng, quá trình phát triển khả năng làm việc nhóm chưa bao giờ là dễ dàng. Đối với du học sinh, các bài tập làm việc nhóm luôn là nỗi ám ảnh không hồi kết.

    Hãy cùng WikiAbroad khám phá các nỗi khổ làm việc nhóm phiên bản du học sinh!

    Tìm kiếm đồng đội

    Helen Keller, một nữ văn sĩ người Mỹ, từng nói “Khi đơn độc chúng ta làm rất ít, cùng nhau chúng ta có thể tạo ra nhiều thứ”. Đúng vậy, việc tìm được các thành viên nhóm tốt sẽ thật sự giúp bạn giải quyết nhanh gọn các dự án nhóm với số điểm ưng ý. 

    Đồng đội “có tâm” - một trong những nguyên nhân khiến làm việc nhóm trở thành ác mộng 

    Đối với một du học sinh, việc tìm thành viên cho các bài tập làm việc nhóm luôn là thử thách. Bạn có thể may mắn gặp được những người bạn từ tuần định hướng hay các tuần học đầu tiên, thế nhưng, việc này sẽ không đảm bảo rằng các bạn sẽ luôn cùng nhau vượt qua các dự án làm việc nhóm của tất cả các môn học. Sự khác biệt trong văn hóa, sắc tộc và ngôn ngữ đôi khi cũng trở thành rào cản khiến bạn khó lòng kiếm được một đồng đội lâu dài. 

    Ngoài ra, việc học online do ảnh hưởng của COVID-19 sẽ khiến cho việc tìm kiếm đồng đội trở nên khó khăn hơn trước. Bởi lẽ, bạn sẽ không thể nắm hết được khả năng cũng như có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với những sinh viên cùng lớp. Để tìm thành viên cho bài tập nhóm, bạn đơn giản chỉ cần viết email cho bất kỳ sinh viên nào bạn tìm thấy trên danh sách lớp, hoặc post trên forum của môn học. Đối với một số ngành học, trừ khi bạn giải bày mong muốn lập nhóm cùng những đồng đội mà bạn đã có từ trước, đa số các du học sinh sẽ được phân ngẫu nhiên vào một nhóm bất kỳ.

    “Team-work” hay “Tôi-work”?

    Các thành viên không chủ động, làm bài qua loa, bất đồng quan điểm hay thậm chí mất liên lạc mặc dù sắp đến hạn nộp bài tập là một trong vô số các lí do dẫn đến tình trạng “Tôi-work” của du học sinh. Tại sao ư? Khi bạn có quá nhiều bài tập của các môn khác đều đang sắp đến hạn nộp bài, bạn phải đi làm thêm và thời gian dành cho một bài tập làm việc nhóm thì không còn quá nhiều. Trong khi đó, bài làm của teammate không đạt đủ yêu cầu đề đưa ra hay thậm chí không trả lời tin nhắn của bạn. Thế nhưng, bạn vẫn không muốn vì những điều này mà ảnh hưởng kết quả học tập của mình, giải pháp tối ưu duy nhất tại thời điểm bấy giờ là tự mình hoàn thành bài tập nhóm hoặc hoàn chỉnh hơn các phần của đồng đội (nếu có).

    Đa số các tình trạng làm việc nhóm mà du học sinh gặp phải chính là “Tôi-work”

    Điều đặc biệt hơn là, khi tìm kiếm các thành viên trong nhóm, bạn sẽ tìm thấy điểm chung của hầu hết các sinh viên: mục tiêu điểm từ Distinction (Loại giỏi) đến High Distinction (loại xuất sắc), tương đương với mức A hoặc A+ trên thang điểm quốc tế. Thế nhưng, sau khi đã bắt tay vào làm việc nhóm, bạn sẽ phải đương đầu với thực tế của làm việc nhóm rằng chất lượng làm bài của các thành viên không đồng bộ và công sức các thành viên bỏ ra cho dự án nhóm cũng sẽ không nhiều so với kỳ vọng. Vậy nên, hãy chuẩn bị thật vững tâm lý “cân team” và hi sinh thời gian để proofread (đọc và chỉnh sửa) bài tập nhóm để đảm bảo sự đồng nhất trong văn phong, cách trình bày, chất lượng bài làm và quan trọng hơn là điểm số mà bạn mong muốn!

    “Hợp đồng” làm việc nhóm - bản hợp đồng mang tính “tượng trưng” và “đối phó”

    Trước mỗi dự án làm việc nhóm, các du học sinh đôi khi sẽ được yêu cầu để hoàn thành bản hợp đồng làm việc nhóm (hay còn được biết đến là group work contract). Mục đích của bản hợp đồng này nhằm đánh giá khả năng làm việc nhóm cũng như lượng công việc hoàn thành của các thành viên trong nhóm. Tại một vài trường đại học, bản hợp đồng làm việc nhóm sẽ được coi trọng bởi lẽ nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến điểm số của mỗi thành viên trong nhóm. Hay nói cách khác, nếu bạn cống hiến nhiều trong bài tập nhóm cũng như thể hiện thái độ làm việc nhóm chuyên nghiệp, phần trăm điểm bạn nhận được sẽ cao hơn so với các thành viên khác ở trong nhóm.

    “Hợp đồng” làm việc nhóm - bản hợp đồng mang tính tượng trưng

    Tuy nhiên, đa số các “hợp đồng” làm việc nhóm hay bản đánh giá sau khi làm việc nhóm chỉ mang tính tượng trưng và đối phó, bởi lẽ bạn không thể đánh giá chính xác chất lượng làm việc cũng như khối lượng công việc của một thành viên bất kỳ. Độ khó của mỗi câu hỏi trong một bài tập nhóm sẽ khác nhau, thế nên, việc bạn chỉ làm tập trung vào một câu hỏi trong khi các thành viên khác nhận làm 2-3 câu hỏi không đồng nghĩa với việc bạn không cống hiến nhiều vào bài tập nhóm. 

    Hầu hết trong các “hợp đồng” nhóm, các thành viên đều thống nhất đánh giá độ cống hiến và phân chia công việc của mỗi thành viên là như nhau. Và việc phân chia lượng công việc thực tế sẽ khó đạt mức ngang bằng nhau giữa mỗi thành viên. Ngoài ra, để bài làm đạt được số điểm tối ưu, phải có ít nhất một thành viên đứng ra chỉnh sửa font, cách trình bày cũng như kiểm soát chất lượng nội dung của mỗi phần.

    Mặc dù việc điền “hợp đồng” làm việc nhóm hay bản đánh giá đa số đều mang tính tượng trưng, bạn có thể chọn báo cáo trực tiếp với giảng viên bộ môn nếu thái độ làm việc nhóm của các thành viên không tốt hay thậm chí không tham gia cống hiến. Hãy kèm theo những bằng chứng cho thấy sự không nghiêm túc trong làm việc nhóm của thành viên cũng như khối lượng công việc mà bạn đang phải “gánh”, giảng viên bộ môn sẽ có những hình thức xử phạt tương xứng!

    Ác mộng nhân đôi khi deadlines chồng chất

    Bạn đã bao giờ gặp trường hợp tất cả dự án lớn của kỳ đều yêu cầu làm việc nhóm và hạn nộp bài nối đuôi nhau, trong khi đó, bạn vẫn phải hoàn thành tốt những công việc ngoài lề khác (công việc bán thời gian, quizzes, các dự án xã hội,v...v.) chưa? Và “tuyệt vời” hơn là, bạn luôn là người định hình team, đặt mục tiêu, liên lạc với các thành viên, luôn phải theo sát tiến trình(timeline) của tất cả các dự án cũng như chất lượng bài nhóm. Đây chính xác là thời điểm khiến du học sinh nhanh chóng “burnt out” (tình trạng kiệt sức) và ngay lập tức xuất hiện suy nghĩ muốn từ bỏ tất cả những dự định ban đầu và mất động lực.

    tình trạng kiệt sức nếu làm việc nhóm không hiệu quả

    Làm việc nhóm không đơn thuần chỉ nằm ở khả năng giao tiếp tốt với các thành viên, mà còn yêu cầu ở bạn một sự kiên trì, một sức bền cực kỳ lớn cũng như khả năng phân chia thời gian. Bởi nếu không, bạn sẽ ngay lập tức bị nhấn chìm bởi sức ép thời gian và lượng công việc quá lớn. Đôi khi bạn sẽ trở nên thu mình bởi chịu ảnh hưởng của suy nghĩ “không cần sự giúp đỡ từ bất kỳ ai”. Hơn hết, làm việc nhóm không hiệu quả không những xáo trộn các công việc bạn làm cũng như làm giảm chất lượng, mà nó khiến bạn làm việc quá sức, dẫn đến suy nhược về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

    LỜI KẾT

    Làm việc nhóm, một kỹ năng tưởng chừng đơn giản nhưng thực chất rất khó khăn. Và làm việc nhóm trong mắt của du học sinh, luôn là cơn ác mộng không hồi kết. Tuy nhiên, các trải nghiệm làm việc nhóm vẫn có thể trở nên nhẹ nhàng hơn bằng một vài tip “sống còn”. 

    Hãy cùng WikiAbroad theo dõi phần 2 để bật mí tất tần tật các tips sống còn qua những mùa làm việc nhóm của du học sinh nhé!

    Hãy cùng đón chờ các bí kíp sống còn mùa làm việc nhóm của du học sinh  nhé!
    Van Dao
    Van Dao
    (Chưa có thông tin mô tả)