Một kỳ học mới tại Úc lại bắt đầu và đa số các du học sinh đã bắt đầu quay lại các trường đại học. Thế nhưng, đối với những bạn sinh viên năm nhất (freshman), lần đầu tiếp xúc với một nền giáo dục hoàn toàn mới với phương pháp giảng dạy khác biệt, thì kỳ học đầu sẽ khiến bạn đôi khi cảm thấy áp lực và khó theo kịp bài giảng.
Tuy nhiên, đừng quá lo lắng! Hãy để WikiAbroad cùng bạn chuẩn bị sẵn sàng cho một kỳ học mới hiệu quả nhất bằng các phương pháp học tập sau đây nhé!
1. Những điều cần biết trước khi bắt đầu một kỳ học mới tại Úc
1.1. Thời gian biểu trong một kỳ học mới tại Úc
Tại Úc, một năm học sẽ có hai kỳ học chính vào mùa xuân và mùa thu, và một kỳ học tự chọn vào mùa hè. Mỗi kỳ học sẽ kéo dài trong khoảng thời gian ba tháng, bao gồm hai tuần nghỉ giữa kỳ. Tùy vào bậc học và chuyên ngành của sinh viên, cách phân bố chủ đề và chương trình giảng dạy của mỗi trường đại học tại Úc sẽ khác nhau. Tuy nhiên, đa số các bài tiểu luận, báo cáo sẽ tập trung hầu hết vào các tuần 4 và tuần 8. Trước khi bước vào kì thi cuối kỳ, các sinh viên sẽ có một tuần tự học - là khoảng thời gian nhằm giúp sinh viên hệ thống lại các kiến thức chuyên ngành, giải đáp các thắc mắc và lên kế hoạch ôn tập cuối kỳ
1.2 Hệ thống xếp loại được sử dụng trong kỳ học tại Úc
Úc có hệ thống xếp loại có phần đặc biệt hơn so với đa số các quốc gia khác trên thế giới. Thang điểm được sử dụng bởi hầu hết các trường đại học tại Úc sẽ tính theo các thang điểm: HD (High Distinction), D (Distinction), C (Credit), P (Pass) & N (Not pass/Fail).
Số điểm | Thang điểm tại Úc | Thang điểm khác |
80-100 | HD | A+ |
70-80 | D | A |
60-70 | C | B |
50-60 | P | C |
<50 | N | F |
Thế nên, nếu D là số điểm bạn đạt được cho bài tiểu luận/báo cáo đầu tiên tại môi trường đại học, hãy cảm thấy tự hào về bản thân!
Bạn đã cảm thấy tự tin hơn sau khi hiểu rõ về cấu trúc phân bố thời gian biểu trong mỗi kỳ học cũng như hệ thống xếp loại được áp dụng tại Úc? Vậy bây giờ đây, hãy cùng WikiAbroad khám phá những phương pháp học tập giúp bạn trở nên “bất bại” trong kỳ học đầu tiên tại Úc nhé!
2. Cần chuẩn bị gì trước mỗi kỳ học mới để đạt kết quả tối ưu nhất?
2.1 Chọn môn học
Nghe có vẻ khó tin, thế nhưng việc chọn môn và sắp xếp lịch học trong kỳ học đầu tiên thật sự giúp bạn giảm bớt áp lực từ lượng kiến thức “nặng nề”, đồng thời có thể ổn định và sắp xếp đủ lượng thời gian để hệ thống lại lượng kiến thức từ mỗi chủ đề một cách hiệu quả hơn!
Thông thường, vào tuần định hướng trước mỗi kỳ học, tân sinh viên đều sẽ được hướng dẫn đăng ký môn theo lộ trình học của ngành/chuyên ngành. Mặc dù lộ trình này sẽ cố định và bắt buộc tại một vài trường, đa số các trường đại học tại Úc sẽ tạo điều kiện cho sinh viên tự sắp xếp lộ trình học của cá nhân phù hợp với khả năng và mục tiêu cá nhân. Thế nên, hãy đọc kỹ thông tin của mỗi môn học bao gồm nội dung môn học, số bài báo cáo yêu cầu, thời gian biểu và chọn lựa những môn học không quá chuyên sâu hoặc những môn học bạn cảm thấy hứng thú. Điều này sẽ giúp bạn tối ưu hóa thời gian của kỳ học đầu tiên - khoảng thời gian vô cùng quý giá giúp bạn thích nghi với môi trường học tập mới và tự tìm ra phương pháp tự học phù hợp nhất cho bản thân.
Ngoài ra, tân sinh viên có thể tham khảo ý kiến chọn môn học từ các anh chị đi trước. Kinh nghiệm từ các anh chị thật sự sẽ giúp bạn đưa ra “quyết định chọn môn sáng suốt” đấy!
2.2. Hướng dẫn môn học (Unit Guide) và các nguồn tài liệu liên quan
Môn học với cái tên lạ lẫm và nội dung nghe có vẻ hoàn toàn khác xa so với lượng kiến thức được học ở trung học phổ thông có thể sẽ khiến bạn ngay lập tức lo sợ, hoảng loạn và thậm chí suy xét lại về sự lựa chọn du học của bản thân ngay khi kỳ học mới bắt đầu. Rào cản về ngôn ngữ đôi khi sẽ làm điều này trở thành nỗi ám ảnh của tân sinh viên. Thế nhưng, đừng quá lo lắng bởi nó không thật sự như bạn nghĩ!
Hãy bắt đầu với unit guide (hướng dẫn môn học) đề có cái nhìn tổng quan về môn học. Trong mỗi bản hướng dẫn môn học, bạn sẽ được giới thiệu về những nội dung chủ chốt bao gồm chủ đề của mỗi tuần, nội dung trọng tâm, hướng dẫn tiếp cận môn học từ giáo viên cũng như thời gian biểu của các bài báo cáo và tiểu luận chính.
Ngoài ra, sách giáo khoa điện tử và nội dung bài giảng tuần đầu tiên sẽ là nguồn tài liệu quý giá giúp bạn đánh giá tổng quan mức độ “nặng” và khó của môn học, cụ thể, tất cả những môn học trong kỳ học này sẽ thiên hướng “nặng về lý thuyết” hay “nặng về thực hành”? Nhờ đó, bạn sẽ có thể sắp xếp thời khóa biểu và thời gian tự học của bản thân một cách hiệu quả hơn.
2.3. Lên kế hoạch học tập hiệu quả
Sự tiếp cận với kiến thức hoàn toàn xa lạ sẽ đem đến tâm lý chung của hầu hết các tân sinh viên là sự ưu tiên tuyệt đối cho việc học. Nói cách khác, tân sinh viên thường có xu hướng dành tối đa thời gian của mình trong kỳ học đầu tiên chỉ để HỌC, HỌC VÀ HỌC.
Vì vậy, một kế hoạch học tập hiệu quả luôn luôn cần thiết cho dù bạn là tân sinh viên hay sinh viên sắp tốt nghiệp. Việc lên kế hoạch học tập tốt ngay kỳ đầu nhập học sẽ cải thiện và tối ưu hóa thời gian học tập của bạn rất nhiều trong những kỳ học tiếp theo.
Kế hoạch học tập như thế nào là hiệu quả?
Một kế hoạch học tập được cho là hiệu quả khi bạn vừa có thể hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra cho việc học, đồng thời vẫn có thể dành thời gian cho bản thân cũng như các hoạt động khác ngoài việc học. Để đạt được điều này, hãy ghi lại lịch học của bản thân và dành 2-4 tiếng những ngày nghỉ để xem lại bài giảng, ghi chú và ghi nhớ những nội dung chính trong chủ đề tuần.
Phương pháp này sẽ giúp bạn tập trung một cách đáng kể để hoàn thành nội dung của chủ đề tuần trước khi bước sang chủ đề mới, đồng thời vẫn có thời gian cho những hoạt động khác. Áp dụng phương pháp này, ngoài ra, sẽ giúp bạn tìm kiếm được phương pháp đọc hiểu và ghi chú hiệu quả và phù hợp nhất với bản thân.
Các công cụ giúp sắp xếp lịch trình cá nhân và thời khóa biểu được sử dụng nhiều nhất của các bạn học sinh bao gồm Google Calendar và Notions .
2.4. Hãy đừng ngại “làm phiền” giảng viên bằng những câu hỏi
Một kỳ học mới bắt đầu, bạn đã hoàn thành việc chọn môn học, đọc bài và thậm chí lên kế hoạch học tập một cách rất chi tiết, thế nhưng bạn vẫn cảm thấy nội dung học khó hiểu và bạn gặp khó khăn với việc bắt kịp tiến độ của lớp học? Hãy đừng ngại “làm phiền” giảng viên và các cố vấn môn học
Ở hầu hết các trường đại học tại Úc, ngoài những giờ trên giảng đường hay trong các lớp học nhỏ, giảng viên sẽ luôn có những khung giờ hành chính dành riêng cho việc tư vấn riêng với các sinh viên của mình. Đây là một cơ hội tốt để bạn đặt ra những câu hỏi, nêu ra những thắc mắc và tìm kiếm giải đáp từ các giảng viên. Thư điện tử (email) luôn là một công cụ và nền tảng hữu ích giúp bạn trao đổi nội dung bài học và những nội dung liên quan cùng với các giảng viên của mình! Hãy liên tục đặt câu hỏi đến khi bạn tìm thấy câu trả lời thỏa mãn mong muốn cá nhân!
Ngoài ra, các tân sinh viên có thể tìm đến những cố vấn môn học ngay tại chính trường đại học của mình để có những buổi cùng nhau bàn luận về nội dung học. Với kinh nghiệm đi trước của bản thân, các cố vấn môn học sẽ giúp bạn nhanh chóng hiểu những khái niệm, công thức cơ bản cũng như các phương pháp viết và trình bày báo cáo theo đúng yêu cầu để đạt được số điểm mà bạn mong muốn!
LỜI KẾT
Kỳ học mới bắt đầu, tuy háo hức, nhưng mang tâm trạng đầy lo lắng của các du học sinh khi mới bước chân vào môi trường đại học. Hi vọng, với những thông tin và các tips học tập trên, các tân sinh viên sẽ có một kỳ học mới tại Úc thật đáng nhớ và gặt hái được nhiều HDs!
Hãy chia sẻ những tips học tập bổ ích khác và trải nghiệm kỳ học đầu tại Úc của bạn ở phần bình luận bên dưới nhé!