Sau khi các đầu việc quan trọng như hồ sơ, học bổng và visa đã được hoàn thành, các bạn sắp-trở-thành du học sinh đều mang tâm trạng háo hức chờ đợi ngày được chính thức đặt chân lên xứ người. Thế nhưng, rời xa sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ, sự thân thuộc của bạn bè và văn hóa quê nhà khiến cho thời gian đầu du học từ “màu hồng” bỗng chốc trở thành cơn ác mộng mang tên Sốc văn hóa.
Vậy sốc văn hóa là gì? Sốc văn hóa có thật sự đáng sợ như bạn nghĩ? Hãy cùng WikiAbroad tìm hiểu thêm về sốc văn hóa và các bí quyết bỏ túi biến sốc văn hóa trở thành một trải nghiệm du học thú vị
1. Sốc văn hóa là gì?
Sốc văn hóa (hay còn được biết đến là Culture Shock) là chuỗi biến đổi về mặt thể chất và tinh thần do sự thay đổi về môi trường sống. Hiểu một cách đơn giản, sốc văn hóa xảy ra khi bạn chuyển đến một đất nước mới, nơi mà bạn sẽ phải tiếp xúc với nhịp sống hoàn toàn khác với nơi bạn được sinh ra và lớn lên, giao lưu với những con người mới bằng một ngôn ngữ mới và tiếp thu một nền văn hóa mới.
Những cú sốc văn hóa có tác động rất lớn đến tinh thần của du học sinh trong thời gian đầu du học. Biểu hiện điển hình của sốc văn hóa là cảm giác bối rối, choáng ngợp với nhịp sống mới tại nơi xứ người; bạn không cảm thấy thoải mái khi giao tiếp với người bản xứ; bạn luôn cảm thấy lạc lõng khi không thể tìm thấy điểm chung với các sinh viên quốc tế. Dần dần, bạn luôn tạo ra một vòng tròn an toàn của bản thân, hoài bão một thời về việc được khám phá thế giới, khao khát được hội nhập dần dà trở nên phai nhạt. Bạn muốn về nhà!
2. Các giai đoạn phổ biến của sốc văn hóa
Hầu hết các du học sinh, khi đối mặt với cơn ác mộng sốc văn hóa, đều sẽ trải qua 4 giai đoạn phổ biến: Giai đoạn trăng mật (Euphoria), Giai đoạn khủng hoảng (Discomfort), Giai đoạn điều chỉnh (Adjustment) và Giai đoạn thích nghi (Acceptance)
2.1 Giai đoạn trăng mật (Euphoria)
Mỗi trải nghiệm du học hầu hết đều sẽ bắt đầu bằng một tâm trạng phấn khích và hào hứng. Bạn phấn khởi vì cảm giác tự do, không còn bị “quản lý” bởi các bậc phụ huynh. Bạn cảm hào hứng vì sẽ được một mình trải nghiệm những điều mới, trở nên tự lập hơn.
Ngay đi đặt chân đến nơi xứ người, bạn sẽ ngay lập tức bị cuốn hút vào những cảm giác mới mẻ ở môi trường sống mới này, từ sự náo nhiệt của dòng người đông đúc đến sự đa văn hóa và phóng khoáng trong phong cách và nhịp sống thường ngày.
Bạn không thể chờ được trải nghiệm thử các phương tiện giao thông công cộng, được trở thành một trong những con người giữa nhịp sống nhộn nhịp và năng động này. Và, bạn ngay lập tức lên một dãy các kế hoạch sắp tới cho cuộc sống mới tại nơi xứ người!
2.2 Giai đoạn khủng hoảng (Discomfort)
Tuy nhiên, khi mọi thứ dần trở nên ổn định hơn, giai đoạn trăng mật đồng thời cũng sẽ nhanh chóng trôi qua. Thay vì hào hứng và phấn khởi, bạn dần “bị bủa vây” bởi những nỗi sợ, nỗi nghi hoặc và cả những cảm giác choáng ngợp.
Rời xa sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ đồng nghĩa với việc bạn phải tự chăm sóc cho bản thân, từ việc chuyển nhà, dọn nhà, nấu ăn hay thậm chí tự mình xử lý những giấy tờ quan trọng như visa, hợp đồng nhà, vân vân. Giao tiếp bằng một ngôn ngữ mới khiến bạn cảm thấy khó bắt kịp với các bài giảng ở trường, bạn chơi vơi khi hòa nhập vào một nền văn hóa mới, một cộng đồng mới.
Trong giai đoạn này, đa số các du học sinh thu mình trong lớp vỏ bọc an toàn (comfort zone), luôn cảm thấy lo lắng, buồn bã và khát vọng khám phá miền đất mới, trong khoảnh khắc, sẽ phai mờ. Giai đoạn khủng hoảng sẽ thôi thúc ham muốn từ bỏ của các du học sinh. Một số sẽ rơi vào các khủng hoảng tâm lý hay chọn cách trở về quê nhà.
2.3 Giai đoạn điều chỉnh
Sau khoảng thời gian khủng hoảng, buồn bã và thu mình lại trong khu vực an toàn của bản thân, bạn bắt đầu học cách chấp nhận và dần có sự thay đổi về thế giới quan. Bạn bắt đầu thiết lập một cách nhìn đa chiều và tích cực hơn về môi trường mới.
Lúc này, bạn bắt đầu “thử” những điều mới, mở lòng nhiều hơn, chấp nhận sự khác biệt và quan tâm đến văn hóa, con người và cộng đồng bạn làm việc và sinh sống. Bạn học cách bắt kịp nhịp sống thường ngày, nỗ lực để hòa nhập vào nền văn hóa đa quốc gia nơi xứ người, học những văn hóa và cố gắng loại bỏ những rào cản ngôn ngữ bằng cách tìm hiểu một vài “tiếng lóng” được sử dụng trong giao tiếp thường ngày
Các mối quan hệ mật thiết từ đấy cũng được thiết lập. Những cuộc trò chuyện dần mang tính chia sẻ và thấu hiểu hơn.
2.4 Giai đoạn thích nghi
Sau những cú sốc văn hóa và nỗ lực điều hòa nhập, thay đổi các thói quen và sắp xếp lại cuộc sống của bản thân, bạn cuối cùng đã có thể thích nghi với môi trường mới và nhanh chóng lấy lại sự tự tin của bản thân. Ở giai đoạn này, bạn sẽ trở nên thoải mái thể hiện màu sắc, cá tính riêng của bản thân. Bạn trở nên hứng thú hơn với các hoạt động cộng đồng.
Ở giai đoạn thích nghi, bạn cuối cùng cũng sẽ tìm thấy cho mình những mối quan hệ thân thiết, thiết lập niềm tin giữa những con người đến từ các quốc gia khác nhau. Bạn và các du học sinh khác sẽ cùng nhau chinh phục mục tiêu học tập cũng như khát vọng được khám phá nền ẩm thực đa dạng, hay cùng tận hưởng những chuyến road trip ở đất người.
3. Sốc văn hóa có thật sự đáng sợ như lời đồn?
Sốc văn hóa, nghe thì có vẻ rất kinh khủng và đáng sợ, tưởng chừng không thể nào vượt qua được, thật ra cũng chỉ là một trong những phản ứng khi bạn buộc phải rời khỏi vòng an toàn của bản thân. Vậy nên, Đừng bỏ cuộc, hãy kiên nhẫn với bản thân! Khi vượt qua khỏi giai đoạn sốc văn hóa, bạn sẽ cảm thấy tự hào với sự trưởng thành của bản thân và dần mở ra những điều tuyệt vời ở những năm tháng du học tại xứ người.
Hãy cùng WikiAbroad đồng hành cùng bạn qua cú sốc văn hóa những ngày đầu du học với những bí kíp bỏ túi ở phần tiếp theo nhé!
4. Vực dậy cú sốc văn hóa những ngày đầu du học
Mặc dù một số các du học sinh đã chuẩn bị rất kỹ tâm lý trước khi du học, thế nhưng sốc văn hóa khó có thể tránh khỏi. Một trong số nguyên nhân phổ biến bao gồm bất đồng ngôn ngữ, nhớ đồ ăn quê nhà, sự khác biệt trong văn hóa khiến du học sinh khó tìm thấy điểm chung trong giao tiếp, v...v…
Sau đây là các mẹo giúp bạn đánh tan ác mộng mang tên sốc văn hóa:
4.1 Chuẩn bị thật kỹ trước khi đi du học
Trước khi đặt chân đến một đất nước mới, hãy trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản về nơi mà bạn sẽ và đang sinh sống. Các thông tin về văn hóa, phương tiện đi lại, ẩm thực, thời tiết, lối sống, chi phí sinh hoạt và các địa điểm vui chơi giải trí luôn là những thông tin cần thiết và sẽ hỗ trợ rất nhiều trong quá trình bạn ổn định cuộc sống mới. Mạng xã hội hay nghe review từ các anh chị đi trước trong các hội sinh viên luôn là nguồn thông tin hữu ích, sẽ giúp bạn đỡ bỡ ngỡ và hình dung được môi trường sống mới nơi xứ người.
Ngoài ra, hãy chuẩn bị cho mình một tâm lý tốt. Cuộc sống du học sẽ yêu cầu bạn học cách tự lập và luôn phải bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Xem vlog của các bạn du học sinh ở các quốc gia trên thế giới sẽ giúp bạn có một góc nhìn thực tế hơn về cuộc sống du học. Bạn sẽ nhận ra rằng sốc văn hóa thật sự là một trải nghiệm rất thú vị và không hề đáng sợ như bạn nghĩ
4.2 “Đừng ngại”, hãy học cách mở lòng và chia sẻ (Tìm kiếm sự giúp đỡ nếu cần thiết)
Sinh sống tại một đất nước hoàn toàn mới với một ngôn ngữ khác đa dạng về văn hóa chưa bao giờ là điều dễ dàng. Thế nhưng, đừng để những rào cản về ngôn ngữ và sự khác biệt về văn hóa và sắc tộc ngăn cản bạn hội nhập. Hãy mở lòng với mọi người bằng những lời chào và cuộc hội thoại ngắn. Nên nhớ, đừng ngần ngại giao tiếp vì chỉ có giao tiếp thường xuyên mới có thể nhanh chóng giúp bạn xóa tan bất đồng ngôn ngữ và trở nên gần gũi hơn với mọi người.
Với những bạn đang trải qua giai đoạn khủng hoảng của sốc văn hóa, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè và thầy cô. Hầu hết các trường đại học đều có các thầy cô phụ trách việc tư vấn cho các sinh viên quốc tế và luôn sẵn sàng giúp đỡ không chỉ về mặt học thuật mà cả về đời sống sinh viên. Các cuộc gặp với giáo viên tư vấn đều hướng đến sự riêng tư của sinh viên; vậy nên, hãy đặt ngay một cuộc hẹn với giáo viên trường và tìm kiếm lời khuyên từ các giáo viên.
4.3 Giữ liên lạc với gia đình và bạn bè
Sốc văn hóa cũng bắt nguồn từ việc xa gia đình và bạn bè thân thiết. Thế nên, một trong những bí quyết giúp cú sốc văn hóa của bạn trở nên nhẹ nhàng hơn là luôn giữ liên lạc với gia đình và bạn bè.
Lưu ý, vì thời gian tại mỗi quốc gia sẽ khác nhau, vậy nên, hãy cho họ biết lịch trình của bạn để cả hai có thể cùng sắp xếp những khoảng thời gian chia sẻ cùng nhau. Hãy kể cho gia đình và bạn bè của bạn về những gì bạn đang trải qua cũng như những điều thú vị trong cuộc sống của một du học sinh. Điều này cũng sẽ khiến bạn nhận ra rằng cho sốc văn hóa thật ra cũng là một trải nghiệm khá thú vị đấy!
4.4 Ghi lại các cung bậc cảm xúc
Cuối cùng, hãy ghi lại các cung bậc cảm xúc của mình khi đối mặt với cú sốc văn hóa này. Việc viết ra những cảm xúc của bản thân sẽ giúp bạn giải tỏa một phần các cảm xúc tiêu cực, đồng thời có thể sắp xếp lại những suy nghĩ của bản thân tốt hơn. Một cuốn sổ tay nhỏ lưu lại những cung bậc cảm xúc này, sau này khi đọc lại, sẽ khiến bạn cảm thấy tự hào về sự trưởng thành và những nỗ lực của bản thân xuyên suốt những năm tháng du học nơi xứ người.