Table Of Contents [hide]

    Lần đầu xa nhà để đặt chân đến một miền đất mới với những ngôn ngữ và văn hoá mới sẽ gây ra rất nhiều bỡ ngỡ, đặc biệt là những bạn trẻ kinh nghiệm vốn sống còn ít ỏi, do đó cũng dễ hình thành nên những thói quen xấu của sinh viên khi đi du học. 

    Mọi người thường hay nói “sinh viên thì cũng có sinh viên this sinh viên that” thì thói quen xấu của sinh viên cũng có sinh viên trong nước và sinh viên ngoài nước. 

    Điều đó có nghĩa là sao? 

    Nghĩa là môi trường sống, môi trường học tập, văn hoá, ngôn ngữ, tất cả mọi thứ đều khác nhau đối với sinh viên Việt Nam và sinh viên Việt nam ở nước ngoài. 

    Chỉ mỗi duy nhất một điều giống nhau là đều chạy deadline. 

    Vậy 5 thói quen xấu của sinh viên khi đi du học là gì? 

    Sợ giao tiếp tiếng Anh

    thói quen xấu của sinh viên

    Hoặc bất kì ngôn ngữ gì ở nước bạn du học như Pháp, Đức, Nga,…

    Một thế tiến thoái lưỡng nan cực kì oái ăm ở các bạn du học sinh là bạn phải giao tiếp tiếng Anh thường xuyên với mọi người đặc biệt là người bản xứ để cải thiện chất giọng của mình.

    Nhưng vì chất giọng của bạn chưa tốt nên bạn không giao tiếp và giao du với bất kì ai vì ngại sợ bị chê cười bởi tiếng Anh của mình. Thay vào đó, bạn chỉ dính chặt với cộng đồng người Việt xung quanh mình và sau bao năm du học kĩ năng tiếng Anh vẫn không một chút tiến bộ.

    Vậy thì phải làm thế nào để giải quyết được nỗi đau này? 

    1. Giao tiếp bằng tiếng Anh với những bạn bè người Việt của mình, khi đó bạn sẽ cảm thấy mình ở trong một vòng tròn an toàn hơn và hơn nữa, bạn có thể nhờ bạn bè để đánh giá trung thực về khả năng giao tiếp của bạn cũng như chỉnh sửa giúp bạn tiến bộ nhanh hơn.
    2. Kiếm một công việc thời vụ làm nhân viên chuyên về mảng bán hàng.
    3. Nói chuyện trước gương.
    4. Nghe podcast thay vì nghe nhạc.
    5. Giao tiếp bằng tiếng Anh, nhúng mình vào môi trường chỉ toàn tiếng Anh từ chỗ làm tới trường học đến xe bus và cả khi về nhà là cách duy nhất để loại bỏ thói quen xấu của sinh viên sợ giao tiếp tiếng Anh.

    Đi làm thêm quá nhiều giờ

    Lại tiến thoái lưỡng nan thay, khi bạn bắt đầu đi làm và học được nhiều điều mới, tiếng Anh cải thiện hơn không còn là một rào cản. Cùng lúc đó lại còn kiếm được nhiều tiền hơn để tiêu xài, mua những món đồ hiệu mình chưa từng tự mua được, đi chơi những nơi mình chưa từng đến.

    Cuốn theo vòng xoay của đồng tiền là một thói quen xấu của sinh viên dù là Việt Nam hay nước ngoài

    thói quen xấu của sinh viên

    Vì sao mình gọi là vòng xoay?

    Ngày nay, tất cả mọi thứ đều có thể được thanh toán bằng cách trả góp. Không chỉ những thứ to lớn như ngôi nhà, xe hơi, xe máy, mà còn là những thứ nhỏ nhoi như điện thoại, túi xách, giày dép. 

    Khi bạn kiếm được tiền, bạn sẽ bắt đầu tiêu xài. Khi bạn kiếm được tiền ở quốc gia có mức tiền tệ cao hơn Việt Nam 20 lần, bạn sẽ bắt đầu tiêu xài nhiều hơn. 

    Chủ nghĩa tiêu xài, trả lương theo tuần, tiền nhà theo tuần, trả góp theo tuần của xứ xở phương Tây biết rất rõ những cách để khiến bạn mua những thứ mà bạn chưa thể chi trả. 

    Và trước khi bạn kịp thời nhận ra, bạn đã có 10 hoá đơn để thanh toán mỗi tuần và không thể dừng đi làm vì một khi dừng lại, bạn ngập đầu trong vũng nợ của chính bạn tạo ra. 

    Vậy thì làm thế nào để kiểm soát thói quen xấu của sinh viên này? 

    1. Có một danh sách chi tiêu thiết yếu như tiền thuê nhà, tiền ăn, những nhu yếu phẩm như xà bông, kem đánh răng,…
    2. Thiết kế một bản kế hoạch thu nhập cụ thể để biết rõ khả năng tài chính của bản thân
    3. Luôn nhớ rằng mục đích đi du học là để học tập kiến thức và văn hoá nước ngoài, không phải vùi đầu kiếm tiền tiêu xài rồi về ngủ.

    Dấn thân vào thói quen xấu shopping-holic 

    thói quen xấu của sinh viên

    Hầu hết ai cũng mang trong mình nhiều món đồ mơ ước, không túi Gucci thì cũng máy PS4, không Yeezy thì cũng Ipad Pro,…

    Khi đã tự thân kiếm được thu nhập thì sao? 

    Tương tự như đã đề cập bên trên, bạn sẽ không thể hình dung được sức cám dỗ của chủ nghĩa tiêu xài mạnh mẽ như nào nếu bạn chưa sống ở xứ xở phương Tây một thời gian dài. Ở đây, con tim của bạn sẽ đạp chết lí trí yếu đuối và bóc lột ví tiền của bạn. 

    Thế nên cách duy nhất để kiểm soát bản thân khỏi những hành vi mua đồ hoang phí là có kế hoạch chi tiêu rõ ràng, luôn nhớ về mục tiêu của bản thân và rèn luyện đức tính mắt không thấy tim không đau. 

    Ở Việt Nam, thói quen xấu nghiện mua sắm vẫn tồn tại, nhưng vì mức lương trung bình ở Việt Nam không thể khiến bạn 1 tháng mua 3 sản phẩm Apple được. 

    Warren Buffet từng nói rằng: nếu bạn liên tục mua những thứ bạn không cần, thì sẽ có ngày bạn phải bán đi thứ bạn cần. 

    Thức đêm liên tục

    thói quen xấu của sinh viên

    Luyện tiếng Anh bằng cách đi làm rồi tình cờ đam mê tiền đô rồi lại lọt vào vòng xoáy “tình tiền” thì hậu quả của việc học sẽ là thế nào? 

    Đó chính là một trong những thói quen xấu phổ biến nhất của sinh viên: thức đêm cày deadline

    Vì bạn đã dành thời gian ban ngày để đi học ở trường, ban chiều đi làm kiếm tiền, ban tối đi chơi đùa mua sắm hoặc thậm chí đi làm đến tận 9-10 giờ tối thì thời gian duy nhất để duy trì kết quả học tập ở mức chấp nhận được là học vào ban đêm. 

    Nhưng đôi khi, lí do của việc thức đêm cũng là vì gia đình, bạn bè người thân sống ở những múi giờ khác và việc này đòi hỏi bạn phải thức trễ một chút để có thể trò chuyện được cùng họ chia sẻ về câu chuyện du học hằng ngày của mình. 

    Dù gì đi nữa, thức đêm là một nhân tố sẽ thầm lặng giết chết cuộc sống thường ngày của bạn vì bạn dần trở nên mệt mỏi ủ rũ, tính khí sẽ dần cộc cằn hơn, khó thích nghi được với những hoạt động xã hội ban ngày cũng như những công việc mang tính giờ hành chính,…

    Hãy cố gắng đặt ra những chỉ tiêu về thời gian ăn ngủ nghỉ ngơi trong ngày cho bản thân để có thể chạy đường dài. Cuộc sống sinh viên nói riêng và cuộc sống của bản thân bạn nói chung không phải cuộc thi chạy nước rút, mà là một trò chơi dài hạn kéo dài hàng chục năm.

    Bạn muốn tìm giải pháp cho thói quen xấu này? Đây là bí quyết để thay đổi thói quen này.

    Nghiện tiệc tùng bia rượu

    thói quen xấu của sinh viên

    Điều này có thể sẽ không áp dụng ở mọi đất nước, nhưng với phần lớn các nước phương Tây, tiêu thụ đồ uống có cồn như bia và rượu là văn hoá lâu đời.

    Nếu bạn có 4 thói quen xấu bên trên và thêm cả yếu tố cuối cùng này thì bạn cần phải ngay lập tức lập một bản kế hoạch chi tiết thời gian và chi tiêu cho bản thân và học cách thay đổi thói quen từ những việc nhỏ nhặt nhất. 

    Mục đích của thức uống có cồn được tạo ra là để gây nghiện, bạn lại sinh sống hằng ngày ở một nơi có văn hoá tiêu thụ sản phẩm này cho hầu như mọi dịp sau 4 giờ chiều như hẹn hò, xem phim, tiệc mừng, thậm chí là ăn tối một mình tại nhà thì việc tránh né là rất khó. 

    Nhưng cũng như thói quen xấu nghiện mua sắm, với một con tim đủ lạnh và cái đầu đủ nóng thêm cả lời từ chối mời rượu đủ thuyết phục thì bạn có thể lên kế hoạch cho bản thân và bắt tay vào thực hiện ngay hôm nay. 

    Lời kết

    Đi du học hay đi học xa nhà đều đầy rẫy những cạm bẫy, cám dỗ nhưng đồng thời cũng rất rất nhiều cơ hội hay ho rộng mở cho bạn. 

    Hãy nhớ rằng, rèn luyện kĩ năng thì dễ nhưng rèn luyện tư duy sắc bén thì khó hơn vạn lần. Mình tin rằng mỗi người đều sẽ có một giọng nói sâu thẳm bên trong luôn gào thét những điều đúng đắn mà bạn đáng lẽ phải làm. 

    Hãy tập lắng nghe bản thân mình, luôn nhắc nhớ bản thân về mục đích cuối cùng của những việc mình làm và đảm bảo từng bước chân bạn đặt luôn phải hướng về cái đích đó. 

     

    Có thể bạn cũng sẽ thích: 

    Du học tự túc là gì? Chia sẻ trải nghiệm về du học tự túc ở Úc

    Những điều cần biết khi học lái xe ở Úc – Chi phí, cách thức, thời gian và những lưu ý

    Phương tiện đi lại ở Úc, nên dùng phương tiện công cộng hay sở hữu xe hơi?

    Hồ Hải Thành
    Hồ Hải Thành
    (Chưa có thông tin mô tả)