Table Of Contents [hide]

    Xin chào đọc giả của Wikiabroad! Mình là Lam, năm nay 22 tuổi và hiện là sinh viên hệ thạc sĩ của ngành Business Information Systems tại Torrens University, Adelaide. Trước đó, mình đã hoàn thành khoá cử nhân Marketing tại La Trobe University, Melbourne. Việc chuyển từ ngành học Kinh doanh (Business) sang Công nghệ thông tin (Information Technology - IT) đã đem đến cho mình khá nhiều trải nghiệm. 

    Bên cạnh những lợi ích tiềm năng mà ngành học mới đem lại, mình đã và đang trải qua những khó khăn nhất định để cố gắng hoà nhập hơn với ngành. Vì vậy, mình sẽ chia sẻ với các bạn những khó khăn mình gặp phải khi chuyển sang học Business Information Systems trong bài viết này nhé!

     

    1.Sẽ có các môn học về Coding!

    Đây là sự thật mà bạn phải chấp nhận!

    Đây sẽ là ác mộng đầu tiên mình cần phải xác nhận với các bạn sợ IT giống như mình. Tuy ngành của mình là kết hợp giữa Business và IT nhưng sẽ không tránh khỏi việc có các môn viết code trong số core subjects (môn học chính). Bằng chứng là tính đến thời điểm hiện tại mình đã tiếp xúc với hai ngôn ngữ là SQL và Python. Do ngành cơ bản là không chuyên sâu như bên IT, các môn coding của ngành này nhìn chung chỉ giảng dạy những kiến thức cực kì cơ bản của ngôn ngữ lập trình. 

    Cần cù sẽ bù thông minh

    Tuy nhiên, đối với những người không nhạy bên tự nhiên như mình, thì việc cần cù bù thông minh là cực kì cần thiết. Để hiểu và làm được assignment của các môn coding này, mình cần tương tác với giáo viên và các bạn trên lớp rất nhiều, nhiều hơn hẳn các môn khác. Ngoài ra, làm các learning activity mỗi tuần để rèn độ nhạy với lập trình là hoàn toàn cần thiết.  

    2. Lý thuyết bên IT cần độ chính xác và học thuật cao

    Việc áp dụng lý thuyết khi làm assignment ở chuyên ngành công nghệ thông tin khá khó nhằn hơn. Những kiến thức học thuật yêu cầu độ chính xác cao trong cách diễn giải đòi hỏi sinh viên phải không chỉ đơn thuần đọc mà còn phải hiểu thì mới diễn đạt lại được. Điều này cũng làm cho việc ghi nhớ kiến thức trở nên khó khăn hơn. Mà việc thẩm thấu được hết lý thuyết và nêu được ví dụ cụ thể, thực tế cho các kiến thức IT đối với một sinh viên có background business như mình thì khá là thử thách.

    3. Đòi hỏi khả năng suy luận logic nhiều

    Vì là chuyên ngành mang tính ứng dụng cao, các môn thiên về lý thuyết của ngành học này cũng được thiết kế sao cho tăng tính thực tế nhất. Một trong những dẫn chứng rõ ràng nhất đó là việc thiết kế nội dung assignment. Hầu hết các môn học đều có các bài tập liên quan đến phân tích case study để giải quyết vấn đề được đặt ra. 

    Quá trình này đòi hỏi tư duy suy luận logic và thực tế của sinh viên rất cao để có thể giải quyết tình huống đề ra một cách hợp lý nhất. Mọi giả định từ case study đều phải được giải thích rõ ràng và có ý nghĩa nhất định đối với doanh nghiệp được đề cập trong bài. Mọi câu từ cho dù là nhỏ nhất cũng cần được xem xét vì chúng có thể là tiền đề cho những ý tưởng hay làm bài trở nên khác biệt. Đây cũng là nhân tố tiềm năng giúp bài của bạn đạt điểm cao hơn so với những bài chỉ dừng lại ở mức suy luận thông thường. 

    4. Cần chọn lọc tài liệu đọc

    Tài liệu Business dễ kiếm và dễ áp dụng

    Đối với cá nhân mình, việc đọc nhiều tài liệu sẽ giúp các assignment có nhiều ý để trình bày hơn. Tuy nhiên, đọc là một chuyện, còn tiếp thu được kiến thức đúng để đưa vào bài lại là một chuyện khác. Khi học ngành business, việc chọn lọc các nguồn tài liệu tham khảo khá dễ dàng vì nó gần gũi với cuộc sống thường ngày của mình hơn. Tốc độ tiếp nhận thông tin của mình đối với các vấn đề business, hay cụ thể là bên mảng tiếp thị (Marketing – chuyên ngành của mình) nhạy bén và trơn tru hơn. Mình dễ dàng liên kết và vận dụng những kiến thức chung của ngành business cho chuyên ngành marketing của mình. 

    Đọc nhiều chưa chắc là hay

    Nhưng với ngành IT, ngoài việc đọc slide được giảng viên cung cấp trên lớp, mình hơi bị ngộp nếu có quá nhiều tài liệu cần xem qua. Nguyên nhân chính nằm ở việc tiếp thu kiến thức liên quan đến IT của mình khá chậm. Vì vậy, mình mất nhiều thời gian hơn để nghiền ngẫm và suy luận để hiểu được những tài liệu đang đọc có giúp ích cho assignment của mình hay có hợp lý để dùng giải thích vấn đề mình đang cần tìm hiểu hay không. 

    Lời khuyên

    Vì vậy, tips cho việc chọn lọc tài liệu khi học ngành IT cho những bạn nào gặp cùng vấn đề như mình nói trên là hãy sử dụng các link tài liệu mà thầy cô chia sẻ trong slide hoặc trên lớp. Ngoài ra, nếu bạn vẫn còn đắn đó, có thể hỏi trực tiếp lecturer của mình. Họ sẽ không ngần ngại chia sẻ cho bạn những nguồn tham khảo chính mà chỉ cần bao nhiêu đó thôi là đủ để bạn hoàn thành assignment một cách chỉnh chu rồi. Ngoài ra, LinkedIn Learning cũng là một công cụ khá hữu ích giúp bạn xây dựng kiến thức cho vấn đề cụ thể mà bạn cần. 

    5. Đôi khi bạn sẽ không biết mình đang viết cái gì!

    Nghe có vẻ khá tuyệt vọng nhưng đúng, đây là tình trạng mà mình chắc chắn rằng ai trong số du học sinh chúng ta cũng đều trải qua đối với một số môn học mà bạn hoàn toàn không có ý niệm gì về nó. Và đối với ngành IT mình đang theo học, tình trạng này diễn ra thường xuyên hơn. 

    Câu chuyện của chính mình

    Hồi trimester đầu tiên, mình đăng kí học môn Project Management. Tuy tên môn học nghe khá lý thuyết và rõ ràng, nhưng vì kiến thức của môn không nằm trong lĩnh vực yêu thích cũng như không liên quan gì sâu sắc đến kinh nghiệm thực tế của bản thân, mình gặp khá nhiều khó khăn để hoàn thành ba assignments của môn học này. 

    Ngoài những định nghĩa, diễn giải dựa theo các nguồn tài liệu ra, những phần trình bày, nhận xét, nêu ý kiến của chính mình trong bài nghe có vẻ rất ngây ngô và thiếu thực tế. Chính mình cũng không biết cái mình đang viết là đúng hay sai, hợp lý hay không. Lựa chọn project của mỗi người là khác nhau và mình phải viết bài dựa trên project mình chọn. Do đó, tất cả những gì mình có thể làm là dựa theo những gì mình hiểu được từ lý thuyết của môn học để áp vào cái project mà mình đã chọn rồi phát triển kế hoạch quản lý cho nó. 

    Không phải ai cũng vậy!

    Đây chỉ là trải nghiệm cá nhân của mình khi chuyển sang học ngành IT, có thể một số bạn thì không hề gặp khó khăn trong việc này. Nhưng nếu bạn cũng gặp tình trạng tương tự không biết mình đang viết cái gì nữa, thì yên tâm, bạn không cô đơn đâu!

    6. Group assignment (Bài tập nhóm) không chỉ đơn giản là thuyết trình

    Group assignment khi học Business

    Tính đến thời điểm hiện tại mình đã và đang học qua sáu môn học của ngành Business Information Systems. Một điều đặc biệt mình nhận thấy từ các môn này đó là group assignment không chỉ đơn thuần chỉ là thuyết trình là xong như hồi mình học ngành Business. 

    Lúc trước khi học Marketing, group assignment đối với mình là dạng assignment nhẹ nhất trong tất cả các loại bài tập vì mình chỉ cần tối đa là một ngày trước ngày thuyết trình để chuẩn bị phần nói của mình cũng như slide để nộp. Mình không tốn quá nhiều công sức hay thời gian cho nó vì tối đa nó chỉ là một buổi thuyết trình 15 phút chia cho 4,5 thành viên và mình chỉ đảm nhiệm một phần trong cả bài thuyết trình. Các phần có thể hoạt động độc lập với nhau vì nó như tìm hiểu các khía cạnh khác nhau của một vấn đề. 

    Group assignment khi học IT

    Tuy nhiên, group assignment bên IT thì được thiết kế dưới dạng phân tích case study để giải quyết vấn đề được đặt ra. Các phần đều có sự liên kết chặt chẽ với nhau nên các thành viên trên cơ bản đều phải nắm rõ các phần để đảm bảo sự đồng nhất. Nói cách khác, bạn phải đi qua hết tất cả các phần và đảm nhiệm trình bày phần mà mình được giao. Một điều làm cho group assignment dạng này khó khăn hơn nữa chính là nó bắt buộc theo trình tự. Điều này có nghĩa là, chỉ khi phần trước được hoàn thành thì phần kế tiếp mới có thể có cơ sở để bắt đầu. Vì vậy, việc ỷ y vào thành viên khác hay đợi đến phút cuối mới làm chắc chắn sẽ kiến group assignment IT của bạn là một thảm hoạ.

    Trên đây là tất cả những khó khăn khi chuyển từ học Business, lĩnh vực yêu thích của mình, sang học ngành IT, lĩnh vực mà mình không hề có trải nghiệm hay dự định cụ thể nào trước đó. Tuy nhiên, những khó khăn trên mình đã vượt qua được và giờ trở thành những kinh nghiệm rất giá trị cho con đường học vấn cũng như trong cuộc sống của mình. Chúng cũng làm mình thấy IT trở nên thú vị hơn và đòi hỏi thử thách bản thân mình nhiều hơn. Hy vọng là những chia sẻ trên sẽ giúp bạn nào có business background như mình mà có ý định học IT sẽ cảm thấy tự tin và yên tâm hơn vì bạn luôn không một mình trên con đường chinh phục ước mơ có một tương lai tốt đẹp hơn cho bạn. 

     

    Có thể bạn cũng quan tâm:

    Review cuộc sống sau 3 tháng chuyển đến Adelaide của du học sinh từ Melbourne

    5 hoạt động giúp nâng cao chất lượng đời sống cho du học sinh

    Top 7 tips giúp du học sinh hoà nhập với cuộc sống đại học tại Úc

    Top 5 tips tiết kiệm chi phí sinh hoạt cho du học sinh 

    Cách viết CV cho sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp 

    Top 8 loại thẻ hữu ích cho du học sinh khi du học tại Úc 

    7 điều làm mình bất ngờ khi du học Úc 

    Cách set up LinkedIn profile chuẩn cho sinh viên

     

    Ho Thanh lam
    Ho Thanh lam
    (Chưa có thông tin mô tả)